Nhảy đến nội dung

Chiến thuật ứng biến của Thủ tướng Canada khi gặp ông Trump

Tổng thống Donald Trump chưa bao giờ che giấu việc ông không có thiện cảm với Justin Trudeau, người tiền nhiệm của Thủ tướng Canada Mark Carney, và nhiều lần tuyên bố sẽ biến nước láng giềng thành "bang thứ 51" của Mỹ.

Vì vậy, trước khi Thủ tướng Carney tới Nhà Trắng gặp Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục hôm 6/5, nhiều người đã lo sợ rằng nó có thể biến thành một cuộc đấu khẩu căng thẳng giữa hai lãnh đạo quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả Tổng thống Trump lẫn Thủ tướng Carney đều thể hiện thái độ tôn trọng đối phương, xoa dịu mối lo ngại của dư luận Canada rằng lãnh đạo của họ có thể bị ông chủ Nhà Trắng lấn át. Cuộc gặp cũng tạo thêm niềm tin cho Thủ tướng Canada khi ông đang nỗ lực giải quyết vấn đề thuế quan, chủ quyền cũng như cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ, giới quan sát đánh giá.

Tại Phòng Bầu dục, Thủ tướng Carney không bộc lộ cảm xúc rõ ràng trước ống kính máy quay. Tuy nhiên, người ta có thể nhìn thấy ông nhấp nhổm trên ghế khi Tổng thống Trump tuyên bố việc Canada sáp nhập vào Mỹ sẽ là "một cuộc hôn nhân tuyệt vời".

Phóng viên của AFP mô tả Thủ tướng Carney nhiều lúc nắm chặt hai bàn tay, nghiến răng và đầu gối rung lên mỗi khi nghe ông Trump đề cập đến từ "sáp nhập", dường như để kiềm chế bản thân không nổi nóng.

Khi ông chủ Nhà Trắng kết thúc phát biểu, lãnh đạo Canada đã giơ hai tay lên trước khi cất tiếng, động thái dường như vừa nhằm gây ấn tượng với ông Trump vừa báo hiệu với những người ủng hộ rằng ông hoàn toàn sẵn sàng đối đầu với Tổng thống Mỹ.

"Cho phép tôi nói, như ngài đã biết trong lĩnh vực bất động sản, có một số nơi không bao giờ được phép rao bán", ông cho hay.

"Đúng vậy", Tổng thống Trump gật đầu nói.

"Ngay lúc này, chúng ta đang ngồi ở một nơi như thế", Thủ tướng Carney tiếp tục, chỉ vào bức tường treo chân dung các tổng thống Mỹ.

"Điện Buckingham, nơi ngài từng đến, cũng vậy", ông nói tiếp, gợi nhắc tới lòng yêu mến của Tổng thống Trump đối với hoàng gia Anh.

"Đúng thế", ông Trump cười đáp lại.

"Sau khi gặp gỡ những chủ nhân thực tế của Canada, nhân dân Canada, trong suốt chiến dịch tranh cử vài tháng qua, có một điều tôi rút ra là Canada không phải để bán, không bao giờ được rao bán", ông nhấn mạnh.

"Đừng bao giờ nói không bao giờ", Tổng thống Trump đáp.

Thủ tướng Carney mỉm cười nhìn vào camera, khẳng định thêm một lần nữa: "Không bao giờ. Không bao giờ".

Theo giới chuyên gia, cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Carney với Tổng thống Trump có thể là hình mẫu cho các lãnh đạo khác khi họ xử lý những yêu sách thương mại từ ông chủ Nhà Trắng.

Thay vì phản ứng một cách quyết liệt, gay gắt, bác bỏ thẳng thừng ý tưởng từ Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Carney chủ yếu dùng lời lẽ mềm mỏng, xoa dịu, đôi khi tâng bốc, nhằm thuyết phục ông Trump rằng ông sẽ là một đối tác tốt hơn người tiền nhiệm của mình, cựu thủ tướng Trudeau.

Thủ tướng Carney có thể mất rất nhiều từ cuộc gặp tại Phòng Bầu dục nếu một trong hai người chọn cách tiếp cận khác. Nếu vẫn tỏ ra cứng rắn với lãnh đạo Mỹ như khi vận động tranh cử, ông có lẽ đã kích động ông Trump phản ứng gay gắt. Và nếu tỏ ra mềm mỏng và bị Tổng thống Trump đả kích, lãnh đạo Canada có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng chỉ trích ở trong nước.

Mặc dù thể hiện rõ ràng lập trường phản đối Tổng thống Trump về vấn đề chủ quyền quốc gia, Thủ Carney chọn cách giữ im lặng trước những tuyên bố khác từ ông chủ Nhà Trắng về thương mại và chính sách đối ngoại.

Đây là một bước thay đổi giọng điệu đáng chú ý của lãnh đạo Canada so với những gì ông thể hiện trong chiến dịch tranh cử, khi ông vận động cử tri với thông điệp chống Tổng thống Trump rõ ràng, tuyên bố rằng ông Trump "đang cố gắng hủy hoại chúng ta". Nó hoàn toàn trái ngược với một số lời khen mà ông dành cho lãnh đạo Mỹ trong cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 6/5.

"Cảm ơn ngài vì lòng hiếu khách và trên hết vì sự lãnh đạo của ngài", ông Carney nói khi bắt đầu cuộc gặp. "Ngài là một tổng thống có khả năng thay đổi nhiều thứ".

Tại cuộc gặp, Tổng thống Trump một lần nữa đề cập thẳng thắn việc ông không có cảm tình với cựu thủ tướng Trudeau, người mà ông đã nhiều lần xảy ra xung đột trong nhiệm kỳ đầu tiên và cả trong những tháng đầu nhiệm kỳ thứ hai.

"Tôi sẽ không nói điều này về Mark, nhưng tôi không thích người tiền nhiệm của ông ấy", ông Trump nói với các phóng viên có mặt trong phòng.

Tổng thống Mỹ thường xuyên mỉa mai cựu thủ tướng Trudeau, gọi ông là "Thống đốc Trudeau" nhằm ám chỉ việc Mỹ sẽ sáp nhập Canada thành một bang của mình.

Khi các nhà báo được mời ra khỏi Phòng Bầu dục, một phóng viên Canada tại Mỹ đã hỏi ông Trump rằng liệu ông có tin Thủ tướng Carney là người dễ làm việc cùng hơn cựu thủ tướng Trudeau hay không.

"Tôi thích ông ấy hơn", Tổng thống Trump nói, chỉ về phía Thủ tướng Carney. Lãnh đạo Canada mỉm cười.

"Tôi vẫn chưa gọi ông ấy là 'Thống đốc Carney' và tôi sẽ không làm như vậy", ông chủ Nhà Trắng nói sau đó cùng ngày. "Tôi cũng có nhiều niềm vui với ông Trudeau, nhưng tôi nghĩ đây là một bước tiến lớn, một bước tiến tích cực với Canada".

Dù tỏ ra mềm mỏng hơn, Tổng thống Trump vẫn thể hiện rõ quan điểm rằng ông không muốn nhượng bộ về vấn đề thuế quan. Khi được hỏi liệu Thủ tướng Carney có thể làm gì để khiến Mỹ dỡ bỏ thuế quan, ông trả lời thẳng thừng "không. Mọi chuyện đã an bài".

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng giấu tên cho biết, kể từ khi đắc cử Thủ tướng Canada, ông Carney mới nói chuyện hai lần với Tổng thống Trump và hai người không có mối quan hệ sâu sắc.

Ông Trump từng chỉ trích Canada chi quá ít cho quốc phòng, dự kiến đạt 1,37% GDP trong năm nay, thấp hơn nhiều so với cam kết của NATO. Nhưng hôm 6/5, Thủ tướng Carney đã tái khẳng định rằng Canada sẽ tăng con số đó, đồng thời thừa nhận Tổng thống Mỹ đã "khôi phục an ninh quốc tế, khôi phục NATO".

"Đúng thế", ông Trump đáp lại. "Tôi công nhận rằng Canada đang tăng cường đóng góp quân sự. Họ từng đóng góp ít lắm và bây giờ họ đang tăng cường, điều đó tốt thôi".

Các lãnh đạo nước ngoài từng gặp không ít khó khăn trong những cuộc gặp với Tổng thống Trump. Quá cứng rắn, như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã làm hồi tháng hai, khiến họ có nguy cơ bị mời khỏi Nhà Trắng. Nhưng cách tiếp cận quá mềm mỏng có thể không hiệu quả và khiến họ đối mặt làn sóng phản đối ở trong nước từ những người bất bình với ông chủ Nhà Trắng.

Thủ tướng Anh Keir Starmer hồi tháng hai đã cố gắng gây thiện cảm với Tổng thống Trump bằng những lời khen "có cánh" và một lá thư mời ông Trump thăm Anh từ Vua Charles III, nhưng nước này vẫn bị Mỹ áp thuế quan nhiều tuần sau đó.

Kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Carney với Tổng thống Trump đến nay được đánh giá là khá tích cực. Giới chức Nhà Trắng nói rằng họ hài lòng với cách mọi thứ diễn ra.

Thủ tướng Carney nói với các phóng viên sau cuộc gặp rằng ông đã đề nghị Tổng thống Trump ngừng đề cập đến việc biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ vì chúng hoàn toàn "vô ích". Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ cách ông chủ Nhà Trắng phản ứng.

"Ông ấy là Tổng thống, là người có chính kiến của mình", Thủ tướng Carney cho hay, thêm rằng cần phải phân biệt giữa "mong muốn và hiện thực".

Ông Carney cho biết bản thân cảm thấy "tốt hơn" về mối quan hệ song phương sau cuộc gặp, nhưng không quá lạc quan, thừa nhận hiện chưa có mốc thời gian cụ thể nào về thời điểm Mỹ có thể dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Canada.

Những lời đe dọa của Tổng thống Trump về việc sử dụng "sức mạnh kinh tế" để sáp nhập Canada đã khiến người dân nước này tức giận và thúc đẩy làn sóng tẩy chay hàng hóa Mỹ. Trong những cuộc gọi với các quan chức Canada, ông Trump đã phàn nàn về một hiệp ước năm 1908 quy định biên giới hai nước cũng như một hiệp ước khác điều chỉnh việc quản lý sông Columbia.

Khi phóng viên hỏi ông nghĩ gì về việc Tổng thống Trump đề xuất vẽ lại đường biên giới và chỉ trích cựu thủ tướng Trudeau cùng cựu phó thủ tướng Chrystia Freeland tại Phòng Bầu dục, Thủ tướng Carney nói ông "mừng là bạn không biết tôi đang nghĩ gì".

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)