Nhảy đến nội dung

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Khuyến khích địa phương có thêm chính sách ưu đãi với giáo viên'

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ quan điểm với một số địa phương có điều kiện rất nên khuyến khích dành thêm nguồn lực để hỗ trợ nhà giáo.

Sáng 6-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có giải trình về ý kiến của đại biểu nêu ra khi thảo luận về dự Luật Nhà giáo.

Đồng ý mở rộng, huy động những người khác tham gia vào quá trình giáo dục

Về chính sách cơ quan, đơn vị triển khai việc tuyển dụng giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết dự luật đang quy định cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, thực hiện việc tuyển dụng giáo viên cho các cơ sở giáo dục công lập.

Điều này sẽ giải quyết, tránh việc một giáo viên phải thi nhiều chỗ, nếu một chỗ không đạt và việc sử dụng biên chế trong phạm vi cấp tỉnh tốt hơn. Đồng thời với đơn vị quản lý giáo dục cấp tỉnh, trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức hội đồng, đảm bảo các đề thi, nội dung sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên theo tinh thần phân cấp, phân quyền, ông Sơn đề nghị cần lưu ý tinh thần ở nơi đâu sử dụng lao động thì nơi đó có quyền được tuyển dụng.

"Nhưng điều này lại khó áp dụng với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.

Với cơ sở giáo dục mầm non, chỉ có rất ít giáo viên mà lại tổ chức hội đồng tuyển dụng với yêu cầu khắt khe sẽ rất khó khăn.

Nên cơ quan quản lý giáo dục sẽ đóng vai trò là người tuyển dụng nhưng có thể xem xét phân cấp cho cơ sở như các trường THPT đủ điều kiện tuyển dụng", ông Sơn nêu.

Về ý kiến mong muốn mở rộng các đối tượng hưởng chính sách, định danh nghề nhà giáo, ông Sơn nêu dự luật quy định đối tượng là những người làm nghề nhà giáo, với tư cách một nghề chuyên nghiệp, đạt chuẩn, còn các đối tượng khác như nhân viên nhà trường, tham gia trong quá trình giáo dục, hoạt động giáo dục sẽ có các quy định khác.

"Chúng tôi đồng ý việc mở rộng, huy động các đối tượng khác tham gia vào quá trình giáo dục, điều đó sẽ được quy định trong Luật Giáo dục. Còn trong dự luật này chỉ thống nhất các đối tượng như vậy", ông Sơn nêu.

Ông nêu lại các đại biểu đề nghị bổ sung những người tham gia vào hướng dẫn, thực hành nhưng việc này chỉ thực hiện khi học sinh, sinh viên hoạt động tại các doanh nghiệp, nhà xưởng, nhà xưởng thực hành.

"Khi đó những người có kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn đều được khuyến khích tham gia hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hành nhưng họ không phải đối tượng trong dự Luật Nhà giáo", ông Sơn nói thêm.

Một số ý kiến đề nghị không nên khuyến khích các địa phương ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ nhà giáo để đảm bảo công bằng, đảm bảo các tỉnh vùng sâu, xa, khó khăn đỡ khó khăn trong thu hút giáo viên.

Về nội dung này, Bộ trưởng Sơn nói đối với một số các địa phương có điều kiện rất nên khuyến khích dành nguồn lực để hỗ trợ nhà giáo.

Ông dẫn ví dụ TP.HCM đã dành nguồn kinh phí hỗ trợ để đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, đỡ chuyển việc, nghỉ việc hơn. Đây là điều đáng quý, đáng khuyến khích.

"Chúng ta ủng hộ sự công bằng nếu đó là điều tốt đẹp, công bằng, điều kiện mà giáo viên được hưởng các chế độ tốt nhất. Còn sự công bằng không nên giữ cho nhau đều khổ như nhau, đều khó như nhau.

Nên khuyến khích các nơi có điều kiện. Với các nơi chưa có điều kiện thì nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thêm các địa phương. Thực tế các giáo viên ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc hiện đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên.

Nhà nước cũng cần quan tâm thêm ở các vùng thuận lợi. Cần khuyến khích các địa phương có thêm các chính sách với giáo viên trong điều kiện Đảng, Nhà nước, xã hội đang chăm lo cho nhà giáo", ông Sơn chia sẻ thêm.

Không nên quy định cứng nhắc lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Trước đó đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho hay dự luật quy định theo hướng lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ông nói việc quy định như trên là có cơ sở về chủ trương, phù hợp định hướng của Đảng và việc ưu tiên lương cho nhà giáo thể hiện sự ghi nhận, khuyến khích đội ngũ giáo viên, nhất là tại vùng khó khăn, ngành học đặc thù như mầm non, tiểu học.

Tuy nhiên nếu áp dụng nguyên tắc “cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” mà không có tiêu chí rõ ràng có thể sẽ gây phản ứng từ các ngành sự nghiệp công lập khác (y tế, văn hóa, khoa học...).

Hay có thể thiếu công bằng nội bộ nếu không gắn với chất lượng, vị trí việc làm và gây áp lực lớn cho ngân sách địa phương khi thực hiện đồng loạt.

Do đó ông kiến nghị biên tập lại khoản trên theo hướng không quy định “lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống hành chính, sự nghiệp” một cách cứng nhắc trong luật, nên thiết kế bảng lương riêng cho nhà giáo.

Việc này theo nguyên tắc phù hợp đặc thù nghề nghiệp; có hệ số, phụ cấp ưu đãi, thâm niên hợp lý; gắn với chuẩn nghề nghiệp, kết quả đánh giá và vị trí việc làm cụ thể.

Đồng thời việc nâng lương cần đi đôi với đổi mới đánh giá chất lượng dạy học, đảm bảo nguyên tắc trả lương theo năng lực, hiệu quả.