Bộ trưởng GD-ĐT: 'Sửa luật để buông cái cần buông, nắm chắc cái cần nắm'

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sửa luật để buông cái cần buông, nắm cái cần nắm để hệ thống quản lý phải đơn giản hơn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả hơn.
Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 25.5, bộ này phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp rà soát, góp ý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục; tham vấn chính sách đối với dự án luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).
Bộ GD-ĐT phải "quản" đào tạo tiến sĩ
Liên quan đến quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần tách bạch rõ giữa "2 trục" gồm bậc trình độ về kiến thức và kỹ năng nghề, tương ứng với đó là hệ thống văn bằng, chứng chỉ.
Ông Vinh cũng đề nghị làm rõ nội hàm các quy định phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc; có quy định phù hợp về sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương.
Về các chính sách trong dự án luật Giáo dục đại học (sửa đổi), ông Vinh nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT dứt khoát phải "quản" việc đào tạo trình độ tiến sĩ và đào tạo các ngành sư phạm, y tế, luật. Đồng thời, dự án luật phải có cơ chế để đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học.
"Tự chủ là trao quyền về đào tạo, tổ chức bộ máy, tài chính, tự chủ không phải là không nhận đầu tư từ ngân sách", Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Không tuyển sinh đầu cấp theo địa giới hành chính
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc sửa luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học và luật Giáo dục nghề nghiệp phải hướng đến đổi mới toàn bộ hệ thống, đảm bảo sự nhịp nhàng, thông suốt, đồng bộ để vận hành hiệu quả hơn, mạch lạc, hiện đại, dễ triển khai.
Theo Bộ trưởng Sơn, trong việc sửa 3 luật, từ khóa quan trọng nhất là "gia tăng chất lượng". "Sửa luật để buông cái cần buông, nắm cái cần nắm. Buông ra nhiều nhưng một số cái phải nắm chắc để hệ thống quản lý phải đơn giản hơn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả hơn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến quy định về hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ trưởng Kim Sơn cho rằng cần chấp nhận một hệ thống đa dạng hơn trước. "Trong đại học quốc gia có trường mầm non, tại sao không?", ông Kim Sơn đặt vấn đề, và cho rằng, điều quan trọng hơn là từng "thực thể" trong một cơ sở giáo dục phải đạt yêu cầu về chất lượng.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành giáo dục, các dự án luật cũng phải hướng tới phi địa giới hành chính trong tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, ngay từ năm học 2026 - 2027, ngành giáo dục sẽ thực hiện tuyển sinh đầu cấp ở bậc học phổ thông không theo địa giới hành chính.
Đề cập đến một nội dung thu hút nhiều ý kiến thảo luận trong dự án luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) là mô hình trường trung học nghề, Bộ trưởng Kim Sơn khẳng định, đây là sự tích hợp sâu giữa bậc trung học về văn hóa và kỹ năng nghề.
Đối với giáo dục đại học, ông Kim Sơn cho biết, định hướng trong 10 năm sắp tới, giáo dục đại học Việt Nam phải phát triển nhanh, đầu tư mạnh, có tính chỉ huy cao.
Về mô hình đại học quốc gia, đại học vùng, Bộ trưởng lấy ví dụ về hiệu quả, tính dẫn dắt vùng của Đại học Thái Nguyên để khẳng định sự tồn tại hợp lý của mô hình này nhưng cũng nhấn mạnh yêu cầu "mô hình quản trị bên trong cần phải thay đổi".