Bạn đọc phân tích nguyên nhân Đà Lạt vắng khách dịp lễ dài ngày

Nhiều bạn đọc nêu lý do vì sao dịp lễ 30-4 có nhiều ngày nghỉ nhưng Đà Lạt vắng khách hơn kỳ vọng. Ngược lại, ngành chức năng báo cáo lượng khách đến Lâm Đồng tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước do không gian du lịch Đà Lạt mở rộng ra vùng lân cận.
Nội dung trên đã được Tuổi Trẻ Online phản ánh trong bài viết Vì sao du khách đến Đà Lạt dịp lễ 30-4 không nhiều như kỳ vọng? hôm 3-5.
Đường đến Đà Lạt gian nan
Sau khi bài viết đăng tải, nhiều bạn đọc ý kiến rằng chuyện du lịch Đà Lạt vắng khách dịp lễ trong mấy năm gần đây không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Nhiều ý kiến từ độc giả bày tỏ lo ngại về việc du lịch Đà Lạt dần mất sức hút, nhất là trong các dịp lễ lớn.
Những chia sẻ từ người trong cuộc cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa, với nhiều "điểm nghẽn" đang kìm hãm sự phát triển của thành phố du lịch nổi tiếng này.
Một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là giao thông. Độc giả Lâm chia sẻ: "Điểm nghẽn du lịch Đà Lạt lâu nay là một hành trình di chuyển vô cùng gian nan, mệt mỏi, rã rời, mất từ 12 đến 15 tiếng đồng hồ từ TP.HCM mới đến Đà Lạt".
Đồng quan điểm, bạn Phương cho biết: "Tôi đi ôtô từ Sài Gòn 5h sáng đến 4h chiều mới tới Đà Lạt do kẹt xe cao tốc Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 20 chỉ chạy 40 - 60km/h".
Theo các độc giả, việc đường sá quá tải, tắc nghẽn kéo dài khiến hành trình đến Đà Lạt trở nên nặng nề, mất nhiều thời gian và công sức.
Không chỉ khó khăn trên đường đến, nội ô Đà Lạt cũng đang là một công trường ngổn ngang. Độc giả Ben bày tỏ: "Nắng bụi… mưa bùn… đường sá đào khắp nơi…", cho thấy tình trạng hạ tầng giao thông trong thành phố cũng đang gây nhiều bất tiện cho du khách. Những tuyến đường thi công dở dang, rào chắn, bụi bặm không chỉ làm xấu cảnh quan mà còn ảnh hưởng trải nghiệm tham quan, di chuyển.
Bên cạnh giao thông, quy hoạch và đô thị hóa cũng là nỗi băn khoăn lớn của nhiều người. Độc giả Lân Việt nhận xét: "Đà Lạt ngày nay đô thị hóa nhanh quá, không còn thơ mộng nữa. Thời buổi này mà làm du lịch theo kiểu đô thị hóa thì chết dần".
Bạn đọc Nhân tiếc nuối: "Trên đường đi về miền xuôi, nhìn những ngọn đồi thông bị mất dần cây cối, san phạt làm công trình mà tôi tiếc ngẩn ngơ". Không ít người cho rằng chính sự mất đi bản sắc thiên nhiên, không gian xanh và vẻ yên bình xưa kia đã khiến Đà Lạt đánh mất lợi thế đặc trưng.
Ở một góc nhìn khác, một số độc giả cho rằng lượng khách du lịch dịp này giảm sút là do yếu tố sự kiện đặc biệt tại TP.HCM. 2 bạn đọc Ben và Phan Huy cùng nhận định, nhiều người tập trung về TP.HCM để mừng đại lễ, xem diễu binh nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nên lượng khách đi du lịch tại các địa phương khác, trong đó có Đà Lạt, sụt giảm là điều dễ hiểu.
Đà Lạt thiếu sản phẩm mới, giá dịch vụ cao
Giá cả và chất lượng dịch vụ cũng là vấn đề khiến nhiều du khách e ngại. Độc giả Nguyên phàn nàn: "Bán món gì cũng mắc hơn Sài Gòn".
Bạn Divo thì liệt kê: "Giá cả quá cao. Ẩm thực không phong phú, không có nhiều quán thật sự ngon. Quán thật sự đông vì PR thì nhiều, nhưng chất lượng cốt lõi thì không có".
Ngoài ra, không ít người nhận thấy sự thiếu đổi mới trong sản phẩm du lịch. Bạn S.G. chia sẻ: "Hoạt động du lịch ở đây chưa có gì mới, như ở vườn hoa thành phố lần nào tôi đến cũng nhiêu đó thôi, không hấp dẫn khách tham quan". Từ góc độ người dân địa phương, bạn đọc Lê Sa cũng đồng tình: "Tôi sinh sống tại Đà Lạt nhưng phải công nhận rằng Đà Lạt không có điểm hấp dẫn thật".
Một số độc giả bày tỏ mong muốn Đà Lạt giữ lại nét nguyên sơ, yên bình, đồng thời cảnh báo về những hệ lụy từ phát triển nóng. Bạn đọc Công tiếc nuối hình ảnh những con đường xưa rợp hoa, nay trở nên khô khan, ít sắc màu.
Nhiều ý kiến có cái nhìn tổng quan hơn, cho rằng để du lịch Đà Lạt lấy lại sức hút, thành phố cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề: cải thiện hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời làm mới và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Không chỉ giữ gìn "chất Đà Lạt" trong lòng người yêu mến, mà còn tạo sức hấp dẫn cạnh tranh giữa bối cảnh du lịch ngày càng đòi hỏi cao.