Bà Tôn Nữ Thị Ninh: 'Đối ngoại với nước lớn phải chủ động' - Báo VnExpress - Báo VnExpress

Hay mỗi lần muốn mua thực phẩm thì phải xếp hàng rất đông. Mọi người nghĩ ra đủ cách giữ chỗ: đặt rổ, chậu, thậm chí cả đôi dép. Có những lúc đang ngồi làm việc ở cơ quan, ai đó hô to: "Cá về rồi!" - mọi người lập tức bỏ hết công việc chạy ra cửa hàng. Đến lúc mua được thì cá đã dập nát một nửa vì không có bảo quản lạnh. Chúng tôi đùa với nhau rằng đó là "cá đồng tiền" vì vừa bé vừa quý.
- Còn về công việc, khi chuyển từ giáo dục sang lĩnh vực mới là ngoại giao, bà đã thích nghi thế nào?
- Ngoại giao chính thức là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi. Thời đó tôi phải "vừa chạy vừa xếp hàng", tức là vừa làm, vừa học, điều chỉnh, rồi làm tiếp. Tôi tự mày mò vì trước đó chưa hề học về ngoại giao. May mắn là kinh nghiệm tham gia phong trào quốc tế thời còn ở Paris đã cho tôi nền tảng quý: một tư duy mở, sẵn sàng tiếp cận các góc nhìn rất khác nhau từ bạn bè quốc tế. Ngoài ra, tôi biết hai ngoại ngữ nên dễ tiếp cận tài liệu tham khảo.
Tôi lần đầu cảm nhận sự tự tin trong công việc đối ngoại khi tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và phu nhân thăm Lăng Bác Hồ. Trong lúc trò chuyện, tôi kể chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một trí thức xuất thân từ gia đình quan triều Nguyễn - đã chủ động đi theo cách mạng, để họ hiểu rằng kháng chiến không chỉ là nông dân cầm súng, mà là cuộc đứng dậy của cả một dân tộc.
Tôi tin rằng tiếp khách quốc tế không chỉ là dẫn đi tham quan, mà phải kể những câu chuyện khiến họ hiểu và đồng cảm. Có lẽ đó là bản năng của một nhà giáo. Trước khi rời Việt Nam, vị khách nói với tôi: "You are a very good advocate for Vietnam". Đó như liều vitamin C đầu tiên tiếp sức cho tôi trên hành trình ngoại giao.
Chưa đầy một năm sau, khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng công du nước ngoài, tôi được Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch mời về Bộ. Dù trân trọng, tôi từ chối vì còn mang ơn ông Xuân Thuỷ - người đã nâng đỡ tôi từ những ngày đầu. Mãi đến năm 1983, khi ông rút khỏi Ban Đối ngoại Trung ương, tôi mới nhận lời.
Tại đó, tôi được chọn giữa hai vị trí. Một là Vụ Châu Mỹ, hai là Vụ Tổ chức quốc tế - nơi chuyên xử lý các mối quan hệ đa phương, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức với thành viên nhiều nước khác nhau. Với suy nghĩ quan hệ đa phương (hình thức ngoại giao với nhiều quốc gia) sẽ góp phần định vị và tạo thế cho Việt Nam trên trường quốc tế. Tôi chọn Vụ Tổ chức quốc tế. Nhưng rồi, số phận vẫn đưa tôi quay lại với nước Mỹ. Sau này, khi công tác tại Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tôi được phân công phụ trách quan hệ với Bắc Mỹ và châu Âu.
- Ở giai đoạn phụ trách quan hệ với khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu tại Quốc hội, bà đối mặt với những thách thức gì?
- Thời đó, tôi rất chủ động trong quan hệ với Mỹ - khác với châu Âu, vốn thiên về các vấn đề thương mại, chống bán phá giá. Mỹ là "mặt trận" nóng bỏng hơn với các vấn đề nhân quyền, cộng đồng người Việt hải ngoại, và quá trình bình thường hóa quan hệ. Tôi xác định đây là trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình.
Có hai kỷ niệm tôi nhớ trong giai đoạn gỡ các vấn đề với Mỹ.
Một lần, tôi chủ động thực hiện chuyến đi đối thoại tại Mỹ, tới cả những nơi có cộng đồng phản đối Việt Nam mạnh mẽ nhất. Tôi đi qua bảy, tám thành phố, từ bờ Đông sang bờ Tây. Tôi muốn họ biết rằng Việt Nam có Quốc hội, có Ủy ban Đối ngoại và chúng tôi không ngại đối thoại.
Chúng tôi ghé thăm một số trường đại học, và điều đó lan truyền thành dư âm. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ Việt kiều bàn tán rồi kéo nhau tới.
Từ Chicago lác đác có lực lượng phản đối. Bộ Ngoại giao Mỹ cử một sĩ quan an ninh đi theo tôi. Đến điểm cuối là San Diego, nhóm gốc Việt thuê hai xe buýt tới biểu tình. Họ đến từ rất sớm, đứng đợi nhiều tiếng trước cổng trường.
Thường trong tình huống đó, trường phải giới hạn số ghế phe phản đối, ví dụ 70-30. Nhưng khi đó, tất cả nhóm được cho vào, họ chiếm gần nửa phòng, thậm chí một nhóm còn đứng phía sau.
Đến phần cuối, tôi để họ đặt câu hỏi. Một người trẻ đứng lên, đọc từ một tờ giấy những lời tố cáo Việt Nam. Tôi buồn vì họ chưa từng về nước, nhưng cứ lặp lại những định kiến cũ. Họ đã trưởng thành mà vẫn không tự tư duy, không tự mình tìm hiểu. Tôi không tranh cãi, chỉ nói: "Việt Nam không phải thiên đường. Nhưng chắc chắn cũng không phải địa ngục như quý vị mô tả". Câu đó là để nói với những người không trong đoàn biểu tình - những ai còn muốn lắng nghe. Còn với ai không muốn hiểu thì tôi không thanh minh, vì làm vậy là tự đặt mình ở thế yếu. Tinh thần của tôi luôn là đến để đối thoại, sẻ chia.
Chuyến đi ấy thành công tới đâu, tôi không dám nói. Nhưng tôi tin một điều: làm đối ngoại với một nước lớn như Mỹ thì phải chủ động, không thể ngồi chờ họ đến. Không chỉ gặp vài người ở Washington DC là xong - phải đi đến tận nơi, tận cơ sở.
Kỷ niệm thứ hai là cuộc gặp nghị sĩ Loretta Sanchez - người từng có những phát biểu tiêu cực khi đến Việt Nam. Bà ấy không biết tôi là ai, tôi chủ động xin gặp. Trong cuộc nói chuyện, bà giải thích: "Tôi phải lắng nghe cử tri của mình". Tôi để bà nói xong rồi đáp: "Bà và tôi đều là đại biểu Quốc hội, đều do cử tri bầu. Đúng, chúng ta phải nghe. Nhưng chúng ta còn có trách nhiệm dẫn dắt, giáo dục, không thể gật đầu trước những điều sai lệch".
Bà nghe xong thì gật gù, không phản ứng gì tiêu cực vì tôi nói trúng tim đen. Kết thúc cuộc gặp, bà chủ động ôm hôn tôi. Tôi nghĩ trong thâm tâm, bà hiểu nhóm cử tri cực đoan đó không nên cản trở việc cải thiện quan hệ với Việt Nam nhưng bà tránh nói điều ngược lại vì "lo mất phiếu".