Hồi ức của nữ tiến sĩ từ bỏ Paris - Báo VnExpress - Báo VnExpress

- Vậy với quyết định không nhập tịch Pháp, bà gặp những bất lợi nào?
- Suốt 5 năm tôi ở với mẹ, cứ mỗi mùa hè là cả gia đình sẽ đi du lịch, lúc sang Tây Ban Nha, lúc đi Ý, Đức... Ai có quốc tịch Pháp thì qua biên giới rất dễ. Chỉ mình tôi không có quốc tịch, bị kẹt lại. Tôi nói mẹ: Con sẽ ở tạm một mình trong khách sạn nào đó đợi mọi người quay lại. Cũng vì những chuyện như vậy mà mẹ cứ dằn vặt tôi mãi. Tôi vẫn một câu trả lời: "con muốn về Việt Nam". Lúc đó thì tôi đã biết quy định không cho phép có hai quốc tịch. Nếu chọn Pháp thì không còn quốc tịch Việt.
Rồi tới năm 1973, quyết định đó khiến tôi mất một cơ hội nghề nghiệp lớn. Khi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ, tôi gặp giáo sư của mình nhờ: "Hiệp định Paris ký rồi, tôi chuẩn bị về nước. Thầy có thể giới thiệu giúp tôi một công việc gì đó có ích cho đất nước không?"
Thầy đã giới thiệu tôi đến một trung tâm về công nghệ sinh học, vật liệu y tế – nơi làm những loại gân, da nhân tạo bằng cao phân tử. Công việc lương cao, lại đúng chuyên ngành mơ ước, tôi mừng lắm.
Nhưng ngay ngày đầu nhận việc, họ yêu cầu tôi cam kết nhập quốc tịch Pháp. Tôi từ chối và thế là đành chia tay. Tôi xách cặp ra về, lòng rất tiếc nuối.
Tôi học ngành này là để về phục vụ đất nước. Đời nào lại đi làm giấy cam kết.
- Từ một cô bé 14 tuổi không thông thạo tiếng Pháp, vừa phải phụ gia đình vừa học tiếng và làm quen chương trình mới, nhưng sau đó bà vẫn chinh phục được học vị tiến sĩ. Bằng cách nào bà làm được điều ấy?
- Ngày nhỏ, tôi không được tới lớp sớm. Tôi phải ở nhờ nhà dì, cậu, nay đây mai đó. Mãi khi về với bà nội, tôi mới được đi học - một ngôi trường không mất học phí. Sau đó tôi phải thi tiếp vào trường công không mất phí. Ngày đó, ở trong miền Nam, chỉ có một số trường trường thuộc diện này như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt. Tôi thi đậu vào trung học Lê Văn Duyệt, vượt qua hàng ngàn người. Đấy là bước ngoặt cuộc đời tôi.
Bà nội luôn dặn tôi: "Học sẽ giúp con vượt qua xuất thân của mình". Tôi nhớ điều đó và môn học nào tôi cũng được loại ưu.
Khi tôi chuẩn bị đi Pháp, cô giáo toán tặng tôi hai câu thơ: "Khi đi, đi với tay không. Khi về, về với thành công mọi bề." Tôi xem đó như một động lực. Tôi nghĩ: "Mình ra đi chẳng có gì hết, nhưng khi trở về, nhất định phải có gì đó trong tay."
Qua Pháp, tôi chật vật học chữ, phải mượn vở bạn chép bài. Khi ở với mẹ, tôi phải vừa làm vừa học. Có lúc trốn làm đi thi thì bị mẹ la. Thầy cô hiểu hoàn cảnh nên hỗ trợ nhiều, đặc biệt là giáo viên môn Pháp văn. Cô cho tôi thêm bài, cho mượn cả chồng sách để đọc, yêu cầu viết tóm tắt và chỉnh sửa cho tôi.
Ở lớp tôi luôn xung phong phát biểu. Tôi đặt mục tiêu là nghe giảng xong phải nhớ liền, trả lời ngay để thuộc bài vì về nhà không có thời gian học. Thầy cô thấy mình chăm như thế thì họ quý, họ hỗ trợ.
Tôi không dám ngồi học vì sợ buồn ngủ, sẽ gục nên cứ khi nào xong việc ở nhà, tôi sẽ lái xe vào trường, đứng cạnh bảng để học. Đứng cho tỉnh, không ngủ gật, mà nhỡ có gục thì đầu đập vào bảng sẽ tỉnh lại.
May mắn là việc học của tôi thuận buồm xuôi gió. Học xong cử nhân, tôi lấy bằng cao học rồi tiến sĩ.
Tôi chọn học ngành hóa công nghiệp, lúc đó ai cũng cười vì nữ giới lại chọn ngành gai góc. Song tôi nghĩ, đất nước cần những người làm ra vật liệu, từ đó có thể làm ra nhiều sản phẩm.
- Bà trở về Việt Nam năm 1978. Có điều gì đặc biệt đằng sau thời điểm này?
- Nếu cho phép về sớm hơn thì chúng tôi đã về trước rồi.
Chồng tôi cũng sinh trưởng trong một gia đình cách mạng, bố anh cũng bị bắt trong quá trình hoạt động. Khi tham gia vào Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp, nắm rõ những rối ren trong nước, chúng tôi càng thấm thía lời ca bài "Bình Trị Thiên khói lửa".
Tới năm 1968, khi tôi sinh con thứ ba, ở Pháp đã có phong trào tình nguyện gọi là "viết máu" về nước. Lúc đó tôi với chồng đã bàn nhau: "Anh làm đơn về trước đi, Vân ở lại lo cho con cứng cáp rồi về sau." Bàn là vậy nhưng không thể về ngay. Chúng tôi vẫn chỉ nằm trong danh sách chờ.
Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký, may mắn là tôi đã kịp hoàn thành tiến sĩ. Tôi nghĩ: "Bây giờ về được rồi." Vậy nhưng không phải là cứ xách vali lên là về được. Còn phải chờ trong nước sắp xếp.
Tới năm 1978, Nhà nước mới bố trí cho vợ chồng tôi về miền Bắc, làm tại nhà máy bán dẫn Z181, Viện Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Nghe đến "quân đội", hai vợ chồng cũng thoáng lo lắng. Song chúng tôi nghĩ đây là một vinh dự, cho thấy mình được tin tưởng.
Nhận nhiệm vụ, chồng tôi lúc đó là giảng viên, lập tức xin nghỉ dạy. Còn tôi đang có một vị trí tốt sau 5 năm làm việc ở Trung tâm năng lượng nguyên tử Saclay (Pháp) - cũng quyết định từ bỏ.
- Cảm xúc của bà ra sao khi quyết định bỏ lại 18 năm ở Pháp để trở về Việt Nam?
- Lúc tôi được phân công về miền Bắc, tôi cũng có chút hoảng. Tôi và chồng đều lớn lên trong Nam, không có hình dung nào về cuộc sống ở miền Bắc. Những anh em trong đoàn cũng dặn dò: "Miền Bắc rất khó khăn".
Hai vợ chồng xác định tâm lý: về nơi không có gì. Nhưng điều tôi sợ nhất là về không làm được việc. Chúng tôi bắt đầu lập danh sách mọi thứ cần thiết cho công việc - thứ gì xin được thì xin, còn lại thì gom tiền mua. Cả hai bán hết tài sản đang có ở Pháp, chia làm ba phần: một phần gửi lại gia đình, một phần chồng tôi giữ, một phần tôi giữ – mỗi người tự chuẩn bị những thiết bị, tư liệu cần cho chuyên môn của mình.
Từ ngày cưới nhau, vợ chồng tôi đã thống nhất sẽ không mua nhà, chỉ thuê. Cũng không sắm sửa gì đắt tiền, vì lúc nào cũng sẵn sàng "nếu được gọi thì lên đường, bỏ lại cũng không tiếc".
Bạn bè, đồng nghiệp là kiều bào nghe tin chúng tôi sắp về cũng chung tay giúp đỡ. Cuối cùng, chúng tôi gom được khoảng 40 chiếc rương đóng đồ và gửi theo tàu biển về nước.
Ngược lại, má tôi rất giận. Bà nói: "Người ta liều mạng tìm đường ra đi, tụi bây lại nhất quyết quay về". Khi không can ngăn được, má tôi còn ra điều kiện: "Muốn về thì để các con lại đây".
Tôi gọi ba đứa con lại, nói rõ: "Nếu theo bố mẹ thì sẽ gian khổ, không còn sữa ngon, nhà ấm, cuộc sống tiện nghi như ở Pháp". Ba đứa đều gật đầu, nói sẽ đi cùng.
Từ nhỏ, các con đã theo tôi hát hợp xướng, nên chúng biết đất nước đang trải qua chiến tranh, rất khó khăn. Tôi nhớ khi về nước, đứa út mới bốn tuổi, không có chocolate, tôi mua đường thẻ đen, gọi nó là "sô-cô-la Việt Nam" để dỗ con.
Các con tôi hiểu tình cảnh, chúng tự chăm nhau, nấu cơm, quét nhà. Có lần chúng nói: "Nhiệm vụ của tụi con là tạo điều kiện cho ba má làm việc".