Ông Võ Quang Huệ: ‘Người Việt có thể làm điều không tưởng’ - Báo VnExpress - Báo VnExpress

Sau 24 năm làm việc tại BMW Đức, ông Võ Quang Huệ trở thành người tiên phong đưa Bosch vào Việt Nam khi Trung Quốc đang là lựa chọn đầu tư. Ông không chỉ thuyết phục tập đoàn Đức xây dựng nhà máy linh kiện mà còn thành lập trung tâm R&D đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á - mở ra làn sóng FDI chất lượng cao gắn với đào tạo kỹ sư Việt. Trong buổi trò chuyện với VnExpress, ông chia sẻ bí quyết thuyết phục thế giới tin vào Việt Nam và cách đưa ông đi từ BMW, Bosch tới VinFast tới tinh thần "không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa".
- Ông là một trong số ít chuyên gia Việt Nam từng làm việc nhiều năm tại các tập đoàn kỹ thuật hàng đầu ở châu Âu, rồi trở về đóng góp vào một trong những dự án công nghiệp trọng điểm của đất nước. Nhìn lại hành trình thì nền móng gia đình, tuổi thơ bôn ba giữa thời chiến... đã ảnh hưởng thế nào đến những lựa chọn của ông?
- Quá trình trưởng thành là giai đoạn rất đặc biệt trong đời tôi. Lúc tôi 6 tuổi, ba tôi không đi tập kết ra Bắc mà chọn ở lại miền Trung hoạt động nên bị truy nã. Ông phải rời Quảng Nam ra Huế lánh nạn. Tôi là con trai trưởng nên đi theo ba, còn mẹ và hai em gái ở lại quê.
Ký ức tôi nhớ nhất là ánh mắt ba mẹ khi chia tay - không biết tương lai. Ở Huế, tôi tự lo mọi thứ: ăn ở, học hành, đi lại. Ba tôi vừa lánh nạn vừa tìm cách sinh sống, nên tôi buộc phải tự lập từ nhỏ. Chính những năm tháng đó đã rèn cho tôi khả năng thích nghi.
Hồi ấy tôi không hiểu nhiều. Ba cũng không nói. Tôi chỉ biết ông là người phải trốn đi đâu đó. Nhưng tôi nhớ có những đêm ông lén bật đài Mặt trận, tưởng tôi đã ngủ. Dần dần, tôi nhận ra ba là người gắn bó với cách mạng. Ở miền Nam thời ấy có câu: "Ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản". Có lẽ ba tôi là một trong số đó.
Sau này, khi học trung học ở Sài Gòn, tôi bị tác động mạnh từ hai người bạn thân. Một người là cháu của tướng Đỗ Cao Trí - tướng lĩnh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người còn lại - mãi về sau tôi mới biết - là chiến sĩ biệt động thành. Đứng ở giữa hai thế giới ấy, tôi chịu ảnh hưởng từ cả hai: một người rủ đi chơi, người kia rủ đi biểu tình. Tôi lúc đó chưa có nhận thức rõ ràng.
Nhưng vào những năm cuối trung học, khi tận mắt chứng kiến cảnh đàn áp sinh viên và phong trào Phật giáo, tôi bị tác động rất mạnh. Tôi bắt đầu hỏi ba và được ông kể nhiều hơn. Ông nói: "Làm gì cũng phải gắn bó với đất nước. Không thể đồng tình với việc Mỹ can thiệp, gây ra cuộc chiến như vậy cho dân tộc mình". Từ đó, tôi được định hình về tư tưởng.
Xong trung học, tôi được chọn đi du học. Ban đầu tôi định chọn Pháp, nhưng vì phong trào sinh viên Việt Nam yêu nước bên đó lúc đó rất mạnh, chính quyền miền Nam tạm ngừng chương trình. Tôi chuyển sang Đức - vô tình lại là một lựa chọn rất phù hợp, vì tôi mê cơ khí, mê xe, mà Đức lại là cái nôi của ngành này.
Ở Đức, tôi gặp các anh qua trước, có anh Bùi Văn Nam Sơn - một đồng hương Quảng Nam, cũng là người dẫn dắt phong trào phản chiến tại đó. Các anh đưa tôi tham gia các nhóm họp kín, giới thiệu tôi với phong trào sinh viên Việt Nam tại Đức phản đối chiến tranh Việt Nam. Tinh thần đó đã sẵn trong người, nên tôi tham gia rất năng nổ.
- Sau khi đất nước thống nhất, chặng đường tiếp theo của ông ở Đức diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Sau năm 1975, phong trào phản chiến ở Đức chuyển hướng rất nhanh. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc góp phần xây dựng đất nước.
Ngoài học tập, chúng tôi còn làm đủ cách để hỗ trợ Việt Nam - nhất là trong thời kỳ cấm vận. Có nhóm tìm cách gửi thiết bị, máy tính, máy móc về cho các cơ quan nghiên cứu trong nước. Có nhóm lo mua hàng hóa, thuốc men. Có nhóm phụ trách chuyển tiền về hỗ trợ các địa phương.
Năm 1979, tôi được cử phụ trách phó trưởng đoàn Việt kiều ở Đức về thăm quê hương. Đó là lần đầu tiên tôi trở lại sau ngày thống nhất. Gia đình tôi khi ấy cũng gặp nhiều khó khăn do những biến động trong giai đoạn chuyển giao. Nhiều người thân khuyên tôi nên ở lại Đức thêm một thời gian, đợi thời điểm thích hợp hơn để về nước.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, rồi đi đến quyết định: tiếp tục ở lại Đức rèn luyện khả năng chuyên môn. Tôi bắt đầu làm tại BMW - một tập đoàn sản xuất ôtô nổi tiếng ở Đức. Nơi này đã giúp tôi tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm làm việc và cả sự tự tin cho hành trình dài hơn sau này.
Tôi vẫn tin đó là lựa chọn đúng. Những năm tháng ở lại Đức không phải là để xa rời quê hương, mà là để chuẩn bị cho một hành trình trở về có ích hơn. Như tôi từng viết trong sách: "Trên đường đời vạn nẻo, không có sự chuẩn bị nào là vô nghĩa".
Nếu không có quãng thời gian rèn luyện ở BMW, tôi đã không có đủ năng lực và uy tín để được mời về xây dựng Bosch Việt Nam, rồi sau đó là tham gia dự án ôtô "made in Vietnam" của VinFast - một giấc mơ lớn của ngành công nghiệp đất nước.
- Từ khi nào suy nghĩ về việc trở về nước rõ ràng hơn với ông?
- Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về chuyện trở về từ năm 1994. Khi đó, tôi đã có 12 năm làm việc tại BMW và được mời tham gia điều hành một dự án lắp ráp xe BMW tại Hà Nội.
Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt. Trở lại Việt Nam, đứng giữa xưởng lắp ráp những chiếc xe Đức đầu tiên trên đất Hà Nội, tôi cảm nhận rõ ràng tiềm năng của ngành công nghiệp ôtô trong nước - và cả khoảng cách rất lớn về công nghệ, tay nghề, quy trình. Lúc ấy, trong đầu tôi đã có suy nghĩ: ngày nào đó mình sẽ về lại hẳn.
Nhưng khi về, tôi cũng nhận ra tay nghề của mình còn hạn chế. Tôi chủ yếu làm nghiên cứu, chưa thực sự va chạm nhiều với sản xuất nên tôi quyết định quay lại Đức, tập trung học hỏi những lĩnh vực mà Việt Nam đang rất thiếu và sẽ cần: kỹ thuật sản xuất, chuỗi cung ứng, quản lý mua hàng, quản trị chất lượng.
Dù chưa trở về ngay, tôi vẫn tìm cách đóng góp từ xa. Tôi viết bài phản biện, gửi kiến nghị chính sách, tham gia cùng các chuyên gia Nhật xây dựng lộ trình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Tôi cũng cộng tác với một số tờ báo để chia sẻ góc nhìn chuyên môn.
- Cột mốc nào khiến ông dứt khoát trở về và gắn bó lâu dài với Việt Nam?
- Thời điểm tôi chính thức quyết định trở về là sau bảy năm làm việc tại Ai Cập cho BMW. Theo quy định, sau nhiệm kỳ, tôi phải quay về trụ sở chính ở Munich để nhận nhiệm vụ mới. Nhưng lúc ấy, tôi bắt đầu tự hỏi: "Về Đức để làm gì?". Đó là lúc tôi nghĩ trở lại Việt Nam.
Tôi định bụng: "Cứ về trước, rồi mình sẽ tìm cơ hội làm điều gì đó. Chắc chắn sẽ có việc để làm". Lúc đó, Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ sau Đổi mới, nên tôi tin rằng trở về là đúng thời điểm.
Không ngờ, trong chuyến bay về thăm nhà, quá cảnh ở Singapore, tôi tình cờ gặp một người đang làm việc tại Bosch. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi ở sân bay lại mở ra một cánh cửa lớn: Bosch đang muốn mở chi nhánh tại Việt Nam và cần người dẫn dắt.
Ban đầu, tập đoàn định đưa tôi sang Stuttgart, trụ sở chính ở Đức, để học hỏi trước khi triển khai tại Việt Nam. Nhưng tôi đề nghị được sang Trung Quốc - nơi có điều kiện phát triển tương đồng với Việt Nam nhất.
Công tác ở BMW, tôi đã đi qua rất nhiều nước, nhưng chuyến đi Trung Quốc đó rất khó quên. Bước vào khách sạn ở Thượng Hải, nhìn xuống thành phố từ trên cao, tôi sững sờ trước tốc độ phát triển của họ và bỗng sôi sục: "Khi nào Việt Nam được như vậy?".
Tôi muốn tận mắt thấy họ đang làm gì, từ nhà máy, chuỗi cung ứng đến liên doanh với các đối tác nội địa. Mỗi ngày tôi đều ghi chép lại từng bài học, từng mô hình, từng điểm khác biệt. Tôi phát hiện đằng sau sự phát triển đó là một chiến lược học hỏi có chủ đích.
Họ buộc các tập đoàn quốc tế khi vào phải liên doanh với doanh nghiệp nội địa. Qua đó, họ dần học được công nghệ, xây dựng năng lực nội sinh và song hành phát triển. Quan trọng hơn, họ đầu tư rất mạnh vào R&D và con người. Đó là điều tôi tin Việt Nam cũng cần đi theo nếu muốn phát triển bền vững.
Lúc đó, Bosch chỉ định mở công ty chi nhánh nhập khẩu và phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Nhưng trong chuyến tìm hiểu hoạt động của Bosch tại Trung Quốc, tôi phát hiện họ đang chuẩn bị đầu tư vào một nhà máy linh kiện ôtô công nghệ cao liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc. Trước đó, Bosch đã đầu tư hơn một tỷ USD tại đây.
Trong đầu tôi liên tục bật lên các câu hỏi: "Tại sao không phải ở Việt Nam? Tại sao không? Tại sao không?". Tôi biết, trước khi áp dụng những bài học của Trung Quốc, đầu tiên phải nắm cơ hội trong tay. Mục tiêu của tôi lúc đó là kéo đề án về Việt Nam.