AI có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu

Henry Kissinger cho rằng AI có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, kích hoạt những hình thức cạnh tranh mới giữa các quốc gia, đồng thời làm lung lay các cấu trúc quốc tế hiện hữu.
Khởi nguyên: Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại là cuốn sách cuối cùng, suy nghĩ và mối bận tâm cuối đời của Henry Kissinger, được viết cùng hai chuyên gia công nghệ Eric Schmidt và Craig Mundie.
Triển vọng và thách thức từ AI
Trong cuốn sách, các tác giả thể hiện sự lạc quan của những nhà đổi mới. Họ đã phân tích triển vọng chung sống hòa bình và xa hơn nữa là sự cộng sinh, giữa con người và AI, bằng cách mở ra khả năng hòa giải giữa hai “loài” - một bên là hữu cơ, một bên là nhân tạo, đồng thời chỉ ra một lựa chọn then chốt: tạo ra một thế giới nơi AI trở nên giống ta, hay một thế giới nơi ta trở nên giống AI.
|
Sách Khởi nguyên: Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại. Ảnh: MC. |
Các tác giả cũng đưa ra một loạt cảnh báo, vốn là chủ đề chính của cuốn sách: Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo là một câu hỏi lớn về sự tồn vong của loài người; Một AI không được kiểm soát đúng cách có thể tích lũy kiến thức theo hướng phá hoại…
Khởi nguyên: Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại khám phá những tác động của AI lên 8 lĩnh vực hoạt động và tư duy khác nhau của con người, tương ứng với 8 chương, đó là: Khám phá, Bộ não, Thực tại, Chính trị, An ninh, Thịnh vượng, Khoa học, Chiến lược; để cuối cùng đi đến đáp án mang tính triết học cho công cuộc tìm kiếm một chiến lược khả dĩ để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro.
Cuốn sách mở đầu bằng việc phác họa sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), nhấn mạnh sự khác biệt căn bản giữa trí tuệ máy móc và trí tuệ con người. AI có khả năng xử lý dữ liệu khổng lồ và ra quyết định dựa trên các thuật toán phức tạp, từ đó đặt ra những thách thức đối với nền tảng tri thức, kinh nghiệm và năng lực nhận thức truyền thống của con người. Câu hỏi về ý nghĩa của sáng tạo, ý chí tự do và nhận thức trong một thế giới do AI chi phối trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Một điểm nổi bật trong cuốn sách là những phân tích về tác động của AI đối với bản chất con người. Henry Kissinger cùng hai chuyên gia công nghệ Eric Schmidt và Craig Mundie đã đặt vấn đề: việc ngày càng phụ thuộc vào AI trong ra quyết định và giải quyết vấn đề có thể làm xói mòn khả năng tư duy độc lập và phán đoán đạo đức. Đặc biệt, họ lo ngại về hiện tượng “hộp đen” - nơi con người không thể hiểu rõ cách AI đưa ra quyết định, dẫn đến sự suy giảm trách nhiệm và khả năng kiểm soát.
Cuốn sách cũng đi sâu vào những câu hỏi triết học như: AI có thể đạt đến ý thức hay không? Có nên tạo ra AI có tự nhận thức? Và điều gì xảy ra nếu ranh giới giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ tự nhiên bị xóa nhòa? Những câu hỏi này không chỉ mang tính học thuật mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc định hướng sự phát triển của AI.
![]() |
AI có tiềm năng không giới hạn ở nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự. Nguồn: qdnd. |
Nguy cơ về một cuộc chạy đua AI
Trong cuốn sách, từ góc nhìn chiến lược và ngoại giao, Henry Kissinger đặc biệt quan tâm đến hệ lụy địa chính trị của AI. Dưới sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Eric Schmidt và Craig Mundie - hai cựu lãnh đạo cấp cao của Microsoft và Google - Henry Kissinger đã phân tích cách công nghệ này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, kích hoạt những hình thức cạnh tranh mới giữa các quốc gia, đồng thời làm lung lay các cấu trúc quốc tế hiện hữu. Cuốn sách cảnh báo nguy cơ về một cuộc chạy đua AI, nơi các quốc gia đẩy mạnh phát triển mà thiếu sự hiểu biết đầy đủ về hậu quả dài hạn.
Cũng trong cuốn sách, Henry Kissinger đã mường tượng ra 6 viễn cảnh - kết cục của một cuộc chạy đua để sinh ra một trí tuệ thông minh nhất, hoàn hảo, thống trị tuyệt đối.
(1) Nhân loại sẽ mất kiểm soát trong cuộc đua sinh tồn với nhiều bên bị kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh.
(2) Nhân loại sẽ chịu ách thống trị tối cao từ một kẻ chiến thắng không bị ràng buộc bởi cơ chế kiểm soát và cân bằng truyền thống, vốn cần thiết để đảm bảo an ninh tối thiểu cho những bên còn lại.
(3) Sẽ không chỉ có một AI tối cao duy nhất, mà là nhiều thực thể trí tuệ siêu việt cùng tồn tại trên thế giới.
(4) Các công ty sở hữu và phát triển AI có thể thâu tóm toàn diện quyền lực xã hội, kinh tế, quân sự và chính trị.
(5) AI sẽ tác động mạnh mẽ, sâu rộng và lâu dài nhất không phải bình diện quốc gia, mà lại là tôn giáo.
(6) Nếu không được kiểm soát, việc phổ biến mã nguồn mở của công nghệ mới có thể tạo điều kiện cho các nhóm nhỏ hoặc băng đảng đang sở hữu AI tuy chưa hoàn thiện nhưng rất đáng quan ngại.
Henry Kissinger rất quan ngại về những viễn cảnh này và ông đã có nhiều hành động để ngăn chặn chúng, từ việc viết cuốn sách này cho đến việc cố gắng khởi động một vòng đàm phán hạn chế vũ khí AI giữa Mỹ và Trung Quốc.
Khởi nguyên: Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại kết thúc bằng việc khẳng định rằng dù AI mang lại nhiều cơ hội trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và thúc đẩy đổi mới, con người vẫn cần một cách tiếp cận thận trọng. Việc xây dựng các khuôn khổ đạo đức và pháp lý rõ ràng là điều thiết yếu để đảm bảo AI phục vụ lợi ích chung mà không đe dọa đến các giá trị nền tảng của nhân loại.
Nhận xét về cuốn sách, tỷ phú Bill Gates, cha đẻ Microsoft cho biết: “Cuốn sách mới này đã kịp thời khám phá mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo với tri thức, quyền lực và chính trị. Nó buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về những rủi ro và tiềm năng mà AI mang lại cho nhân loại”.
Còn nhà báo, bậc thầy viết tiểu sử Walter Isaacson (tác giả sách Kissinger: A Biography) thì cho rằng: “Trong Kỷ nguyên AI sắp tới, vai trò của con người sẽ là gì? Trong những năm cuối đời, Henry Kissinger đã dồn tâm trí cho lĩnh vực nghiên cứu AI. Ông cùng hai chuyên gia công nghệ Eric Schmidt và Craig Mundie đã viết cuốn sách này, đào sâu vào tìm hiểu một chủ đề cực kỳ quan trọng: cách thức để bảo vệ phẩm giá và các giá trị của loài người trong thời đại máy móc đang dần trở nên tự chủ”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.