2 cựu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân hầu tòa phúc thẩm

Cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn ông Lê Thanh Vân kêu oan.
Sáng nay 15.5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến 2 cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân.
Phiên tòa được mở do bị cáo Nhưỡng, bị cáo Vân và bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước) kháng cáo. Trong đó, ông Nhưỡng xin giảm nhẹ hình phạt, 2 người còn lại kêu oan.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa. Cả 3 bị cáo đều có luật sư bào chữa.
Nhằm phục vụ giải quyết vụ án, tòa triệu tập Chi nhánh Công ty TNHH MTV kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ (gọi tắt là Công ty Sao Đỏ) với tư cách bị hại, và 11 cá nhân với tư cách người làm chứng.
Hồi tháng 1.2025, TAND tỉnh Thái Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù, Nguyễn Văn Vương 14 năm tù, cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị tuyên mức án tổng hợp 13 năm tù về 2 tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Một bị cáo khác trong vụ án là Phạm Minh Cường (tức Cường "quắt") bị phạt 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Các cá nhân này bị cáo buộc thực hiện hành vi sai phạm liên quan đến 5 vụ việc, xảy ra ở nhiều địa phương: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội.
Với cương vị Phó trưởng ban Dân nguyện, ông Nhưỡng gọi điện tác động lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, dẫn Cường "quắt" đến gặp đồn biên phòng, chính quyền xã… Nhờ vậy, Cường "quắt" tiến hành bảo kê khai thác cát, cưỡng đoạt của Công ty Sao đỏ 1,6 tỉ đồng. Vợ chồng ông Nhưỡng được Cường "quắt" bán cho 30 ha bãi triều có giá trị khoảng 1,2 tỉ nhưng chỉ lấy 900 triệu đồng, rồi giao cho Cường quản lý, khai thác và thu tiền.
Cựu đại biểu Quốc hội còn ký văn bản gửi lãnh đạo các cơ quan tư pháp TP.Hải Phòng nhằm can thiệp theo hướng có lợi cho một người quen của Cường "quắt", qua đó được tặng một bộ cửa gỗ trị giá 75 triệu đồng và nhằm hưởng lợi lô đất trị giá 160 triệu đồng.
Ông Nhưỡng cũng bị bị cáo buộc can thiệp đến chính quyền tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ninh để giúp 2 doanh nghiệp được thực hiện dự án, lần lượt hưởng lợi 300.000 USD (khoảng 6,9 tỉ đồng), lô đất trị giá 1,8 tỉ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất khác trị giá 1,9 tỉ đồng.
Về phía mình, ông Lê Thanh Vân bị cáo buộc ký nhiều văn bản can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Chính phủ, nhằm giúp doanh nghiệp được thực hiện dự án. Ông này bị cho là nhận một lô đất trị giá 1,8 tỉ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất khác trị giá 1,9 tỉ đồng.
Cả 2 cựu đại biểu Quốc hội còn bị cáo buộc gọi điện hoặc ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, nhằm can thiệp cho cùng một doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án. Ông Nhưỡng hưởng lợi 210 triệu đồng, ông Vân hưởng lợi 60 triệu đồng.
2 cựu đại biểu khai gì về việc nhận tiền?
Quá trình xét xử sơ thẩm, ông Nhưỡng cơ bản "giữ nguyên lời khai như cáo trạng". Về 300.000 USD nhận từ doanh nghiệp, bị cáo thừa nhận đây là "một sai lầm". Cựu đại biểu Quốc hội khẳng định chưa bao giờ gợi ý về việc tiền bạc, bởi "đây là phong cách trong suốt cả cuộc đời".
Với cáo buộc tác động lãnh đạo ở TP.Hải Phòng nhằm giải quyết vụ việc theo hướng có lợi cho người quen, ông Nhưỡng cho rằng việc gửi kiến nghị đó là "việc làm bình thường của một đại biểu Quốc hội". Hành vi này không nhằm tư lợi, bởi chiếc cổng gỗ trị giá 75 triệu đồng được Cường "quắt" lắp tại nhà thờ tổ của ông Nhưỡng với mục đích "tặng cho nhà thờ chứ không tặng cho cá nhân tôi".
Trong khi đó, ông Vân khai là bạn đồng môn của ông Nhưỡng, tình cờ quen biết lãnh đạo một doanh nghiệp ở Quảng Ninh khi đến phòng làm việc của ông Nhưỡng. Ông Vân thừa nhận có gọi điện cho lãnh đạo tỉnh, song cho rằng "tính tôi thấy doanh nghiệp khó khăn là giúp", cộng thêm người nhờ vả là "chỗ người nhà" của một lãnh đạo TP.Hà Nội.
Ông Vân cũng thừa nhận cầm tiền của doanh nghiệp, do họ "chạy theo dúi vào túi" nên "cầm cho họ vui" chứ không đòi hỏi. Số tiền ông nhận chỉ là 10 triệu đồng.
Cựu đại biểu Quốc hội còn cho rằng, khi có bất cứ kiến nghị đơn thư của cử tri, ông đều phải có trách nhiệm chuyển đến cơ quan hữu trách, không phân biệt đó là ai, vấn đề của địa phương nào, không bị giới hạn chỉ được chuyển đơn bao nhiêu lần. Ông viện dẫn điều khoản trong Hiến pháp và các luật liên quan để chứng minh đó là hoạt động bình thường, không phải hành vi "can thiệp".
Các luật sư bào chữa cho ông Vân tranh luận với quan điểm buộc tội của viện kiểm sát qua nhiều lượt đối đáp, đề nghị tuyên thân chủ vô tội. Tuy nhiên, quan điểm này không được chấp nhận.