Yêu cầu kiểm tra ngay khi người dân tố giác hành vi buôn bán hàng giả

Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tiến hành kiểm tra ngay khi người dân phản ánh có tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.
![]() |
Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, liên tục. Ảnh: VGP/Hải Minh. |
Sáng 19/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên họp thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng về cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tổ công tác này được thành lập theo Quyết định 950 ngày 17/5 của Thủ tướng, do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - làm Tổ trưởng. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là cơ quan thường trực của Tổ công tác.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Tổ công tác tập trung thảo luận, góp ý hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác, trong đó có việc kiểm tra, khảo sát thực tế tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Từng bộ, ngành cũng báo cáo về kế hoạch hành động chi tiết để thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, lòng tin của người dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển của đất nước.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, liên tục nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Trong đợt cao điểm này, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên của Tổ công tác hoàn thiện, ban hành trong ngày 20/5 kế hoạch hành động chi tiết thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, thành lập tổ công tác của bộ, ngành mình để theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai các kế hoạch nêu trên.
Các bộ, ngành tập trung rà soát hệ thống văn bản pháp luật trong ngành, lĩnh vực mình, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm phòng ngừa các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiến hành kiểm tra ngay khi người dân phản ánh có tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Các thành viên của Tổ công tác phải trực tiếp nắm tình hình, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình.
Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp chặt chẽ, tích cực với các thành viên của Tổ công tác trong đợt cao điểm, không vì việc sáp nhập đơn vị hành chính mà buông lỏng công cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
Đối với công tác tuyên truyền, Phó thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, huy động sự tham gia của người dân vào cuộc chiến chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo sản phẩm.
Mặt khác, Phó thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung Văn phòng Chính phủ là thành viên của Tổ công tác.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.