Yên Tử, nơi có Thiền phái độc đáo giữa rừng thiêng

Yên Tử nằm trong quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 12.7 vừa qua.
Sau khi lãnh đạo quân dân 2 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) rời ngai vàng lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm thuần Việt độc đáo. Thiền phái này là sự kết hợp hài hòa giữa Thiền tông và tư tưởng nhập thế (tham gia tích cực vào các vấn đề xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của Phật giáo VN).
Trên Yên Tử có 3 loại tùng: thanh tùng (gỗ xanh), thủy tùng (gỗ trắng) và xích tùng (gỗ đỏ). Trong đó, hơn 200 cây có tuổi đời hơn 700 năm. Theo các nhà khoa học, những cây xích tùng được sắp xếp ngay hàng thẳng lối và mọc tại những vị trí đặc biệt (rõ nhất ở khu vực đường Tùng). Điều này cho thấy rừng xích tùng cổ này có thể được trồng bởi người xưa (chứ không phải mọc tự nhiên), khi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành tại đây.
Ngoài ra, Yên Tử còn rất nhiều điều thú vị. Trên đỉnh núi có Chùa Đồng (được đúc bằng đồng nguyên khối). Chùa Một Mái với kiến trúc nửa mái che độc đáo (nửa kia dựa vào vách núi). Vườn tháp cổ (lưu giữ xá lợi của các thiền sư phái Trúc Lâm) và tháp Huệ Quang (lưu giữ xá lợi vua Trần Nhân Tông). Suối Giải Oan linh thiêng gắn liền với truyền thuyết các cung nữ nhảy xuống quyên sinh để tỏ lòng tận trung với vua…
Khu vực dưới chân núi Yên Tử là nơi có nhiều khu nghỉ dưỡng, trung tâm văn hóa và làng quê mang đậm nét truyền thống VN.
Yên Tử còn là nơi hành hương nổi tiếng. Từ ngày 10 tháng giêng hằng năm đến hết mùa xuân, hàng triệu du khách khắp nơi đổ về đây để cầu bình an, sức khỏe.