Xuất khẩu rau quả ước đạt gần 4 tỷ USD sau 7 tháng

Sau nhiều tháng chững lại, ngành rau quả Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, nhất là trong tháng 7. Kim ngạch xuất khẩu riêng tháng này đạt 731 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần kéo tổng kim ngạch 7 tháng đầu năm ước đạt hơn 3,8 tỷ USD. Dù vẫn giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ, khoảng cách đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm gần 30% hồi đầu năm.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh ngành từng sụt giảm mạnh những tháng đầu năm. Xu hướng phục hồi của ngành có sự đóng góp từ sầu riêng, loại trái cây từng giúp ngành rau quả tạo bước ngoặt lớn năm 2023. Nguồn cung đạt chuẩn, tỷ lệ tồn dư cadimi thấp tại các vùng trồng trọng điểm như Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cùng với việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu thu hoạch đến đóng gói đã giúp doanh nghiệp đưa hàng quay lại các thị trường như Trung Quốc và Thái Lan.
Bên cạnh sầu riêng, các mặt hàng khác như dừa, xoài chế biến và chanh leo cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hà Lan tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng, từ 10% đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Thái Lan sụt giảm lần lượt 24% và 29%, cho thấy áp lực từ các rào cản kỹ thuật vẫn còn hiện hữu.
Tại hội nghị xuất khẩu rau quả diễn ra ngày 18/7 ở TP HCM, doanh nghiệp và hiệp hội ngành đều nhìn nhận rõ triển vọng của chuối và chanh leo trong vai trò là nhóm trái cây chủ lực kế tiếp. Trong đó, chanh leo Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ và cũng đã hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật gửi tới Hàn Quốc, Thái Lan. Chuối Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ và Trung Quốc.
Dù gặp nhiều biến động, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, chiếm gần một nửa (48,2%) tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả nửa đầu năm.
Theo Hiệp hội, triển vọng phục hồi trong nửa cuối năm được củng cố bởi bốn yếu tố chính. Thứ nhất, các doanh nghiệp đang chủ động điều chỉnh sản xuất và quy trình để đáp ứng các yêu cầu mới từ phía đối tác nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Thứ hai, tiến độ cấp mã vùng trồng và phê duyệt cơ sở đóng gói tiếp tục được đẩy nhanh, trong khi các thủ tục kỹ thuật đang dần được tháo gỡ thông qua đối thoại song phương.
Thứ ba, nhóm thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt với các sản phẩm chế biến sâu - một hướng đi giúp tăng giá trị và giảm rủi ro khi thị trường biến động. Cuối cùng, tỷ trọng hàng chế biến đang ngày càng tăng, giúp giảm phụ thuộc vào trái cây tươi và nâng khả năng bảo quản sau thu hoạch.
Theo các chuyên gia, từ việc sầu riêng từng bước trở lại đỉnh cao, đến chuối và chanh leo vươn lên vị thế chủ lực mới, ngành rau quả Việt Nam đang nỗ lực tái định vị trên bản đồ nông sản toàn cầu, với mục tiêu không chỉ tăng sản lượng mà còn nâng chất lượng và mở rộng thị trường theo hướng bền vững.
Thi Hà