Nhảy đến nội dung

Vườn ươm mang hy vọng mới cho loại nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam

Với sự hỗ trợ của chính phủ Úc, Việt Nam nghiên cứu lai tạo giống khoai mì (sắn) mới không những cho Việt Nam mà còn cả Campuchia và Lào.

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (tỉnh Đồng Nai) và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đang phối hợp thực hiện giai đoạn 2 của chương trình lai tạo giống khoai mì mới có thể kháng bệnh, năng suất cao và chất lượng tinh bột tốt để phục vụ xuất khẩu.

Chương trình trên thuộc Dự án "Các hệ thống sản xuất kháng bệnh bền vững ở khu vực Mekong" (2023-2028) do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) hỗ trợ, với phạm vi triển khai cho ba nước Đông Dương là Campuchia, Lào và Việt Nam. Theo bà Phạm Phương Anh, cán bộ truyền thông ACIAR, tổng ngân sách cho dự án lên đến 3,5 triệu AUD.

Nỗ lực đóng góp cho cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Khoai mì hiện nằm trong danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo Bộ Công thương. Và hiện Việt Nam là nước xuất khẩu khoai mì đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Thái Lan.

Tuy nhiên, ngành trồng khoai mì ở Việt Nam đang đối mặt không ít thách thức. Bà Cù Thị Lệ Thủy, Quản lý chương trình lai tạo giống khoai mì thuộc CIAT, cho biết vấn đề thứ nhất của khoai mì hiện nay chính là giá cả.

Vào thời điểm này năm ngoái, bà cho biết giá khoai mì tươi khoảng 3,5 triệu đồng/tấn, nhưng hiện chỉ khoảng hơn 2 triệu, trong khi chi phí đầu vào giữ nguyên. Vì thế, giá từ nay đến cuối năm nếu không tăng, người trồng khoai mì có thể đối mặt nguy cơ bị lỗ.

Vấn đề thứ hai là khoai mì hiện đối mặt nhiều loại sâu bệnh, chẳng hạn khoai mì ở Việt Nam nhiễm virus bệnh khảm lá, thối củ...

Với sự hỗ trợ của ACIAR, cơ quan của chính phủ Úc chuyên trách về hợp tác nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, CIAT và đội ngũ của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đang nghiên cứu lai tạo giống khoai mì mới có khả năng kháng các loại sâu bệnh, đồng thời đáp ứng chất lượng, về tinh bột cũng như về năng suất, so với những giống khoai mì tốt nhất ở Việt Nam cũng như ở châu Á.

Bà Thủy cho hay dự án dự án phục vụ cho khu vực sông Mekong, bao gồm Campuchia, Lào và Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính ở Việt Nam là tạo ra các giống khoai mì kháng bệnh. Sau khi thử nghiệm xong ở Việt Nam, giống mới được chuyển sang Lào và Campuchia để đánh giá có phù hợp canh tác ở hai nước này hay không.

Cuộc chạy đua với thời gian ở vườn ươm

Chia sẻ với Thanh Niên, thạc sĩ Phạm Thị Nhạn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, cho biết giai đoạn 1 của dự án (2019-2023) đã cho phép chọn lọc khoảng 20 giống bố, mẹ từ châu Phi, Colombia, Thái Lan và Việt Nam sử dụng cho giai đoạn 2 (2023-2028).

Trên vườn ươm có diện tích 2.500 m2 ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), những cây trồng ở đây chỉ khoảng 1 tháng. Phải chờ khoảng 4 tháng cây mới phân cành và ra hoa để thụ phấn. Bà giải thích vào thời điểm cây ra hoa, các chuyên viên thuộc đội ngũ của bà quản lý phải thụ phấn từng hoa bằng tay và phải nhanh chóng hoàn thành trước khi ong thụ phấn tự nhiên.

Còn thạc sĩ Trương Minh Hòa, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, giải thích thêm họ phải canh được đúng thời gian hoa nở để bọc lại để tránh trường hợp ong thụ phấn. Kế đến họ lấy hoa đực lai tạo đúng phấn hoa theo mục tiêu của chương trình. Những ngày lai tạo cũng được kỳ vọng không xảy ra mưa để tránh bị trôi phấn.

"Thông thường thời điểm vàng để mình lai là khoảng 12 trưa đến 15 giờ chiều trong ngày. Không lai kịp thì phải bỏ, vì tỉ lệ đậu sẽ thấp hơn. Qua hôm sau đến lượt những hoa khác sẽ nở và công việc lại tiếp tục", theo ông Hòa. Đây quả là cuộc chạy đua với thời gian nếu muốn kịp thời thụ phấn theo mục đích.

Bà Nhạn cho biết mục tiêu của chương trình là tạo giống khoai mì đạt năng suất bình quân ít nhất 30-35 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27%. Ba tháng sau thời điểm thụ phấn cho hoa của cây khoai mì, đội ngũ của bà mang hạt về Tây Ninh để trồng và đánh giá. Nếu giống lai sau 5 năm vẫn giữ tất cả những đặc điểm mục tiêu và kèm theo tính ổn định, tính thích nghi ở những vùng sinh thái khác nhau, giống sẽ được phân phối ra sản xuất đại trà.

Cũng theo bà Nhạn, năm nay Việt Nam đã chuyển 9 giống khoai mì ưu tú cho Campuchia và Lào để phục vụ cho giai đoạn tiếp theo là đánh giá.

Ông Brent Stewart, Phó tổng lãnh sự Úc tại TP. HCM, cho biết đây là lần đầu tiên ông thăm vườn lai giống khoai mì mới cho ba nước Đông Dương. "Tôi cho rằng đây là minh chứng cho sự phát triển khoa học của Việt Nam", theo ông Stewart, thêm rằng dự án đóng góp trực tiếp cho hỗ trợ khoa học, công nghệ, vốn là một trong 6 trụ cột của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Úc.