Viết tiếp giấc mơ "hóa rồng" sau 50 năm thống nhất

(Dân trí) - 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam trải qua cuộc chuyển mình từ một quốc gia nghèo, thiếu lương thực sau chiến tranh, vươn lên nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực.
LTS: 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một trang sử hào hùng và chói lọi với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải.
Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới.
Để khắc họa rõ hơn những kỳ tích ấy, báo Dân trí trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết về những thành tựu của đất nước 50 năm qua, để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tri ân những cống hiến lớn lao và khơi dậy khát vọng vươn mình mạnh mẽ cho hành trình phía trước của dân tộc.
Tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực
Nửa thế kỷ trôi qua là hành trình đầy thử thách, nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng, đặc biệt kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đạt 7,09% so với năm trước, thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Quy mô GDP nền kinh tế đạt hơn 11.500 tỷ đồng, hơn 476 tỷ USD.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Thu nhập bình quân của người Việt cũng tăng lên đáng kể.
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng, trong đó công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng.
Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, với tổng vốn đăng ký đến ngày 31/12/2024 đạt hơn 38 tỷ USD. Dòng vốn nước ngoài đã tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế đất nước.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%. Cả nước cũng tập trung nguồn lực hoàn thiện hàng loạt các dự án đầu tư công như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…
TS Ngô Minh Vũ - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) - nhận định tăng trưởng kinh tế luôn là điểm nhấn nổi bật trong hành trình phát triển của Việt Nam.
Trong giai đoạn 1990-2006, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt khoảng 6,5-7%/năm - một con số ấn tượng so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ dưới 200 USD những năm đầu Đổi mới lên hơn 4.500 USD hiện nay, đưa Việt Nam từ nhóm nước thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình.
Cùng với đó là thành tích xóa đói giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia đã giảm mạnh từ khoảng 60% (thập niên 1980) xuống chỉ còn dưới 4% vào năm 2023. Sự cải thiện này diễn ra trên diện rộng, phản ánh tính bao trùm của chính sách phát triển, trong đó lợi ích từ tăng trưởng kinh tế được lan tỏa tương đối đồng đều trong xã hội.
Những bước tiến trong các lĩnh vực xã hội cũng góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Việt Nam hiện đã phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời có tỷ lệ trẻ em đến trường cao thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Tuổi thọ trung bình tăng từ khoảng 70 tuổi vào thập niên 1990 lên hơn 75 tuổi hiện nay - một chỉ số đáng kể vượt trung bình toàn cầu. Bình đẳng giới cũng là điểm sáng, với tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động đạt khoảng 70%, vượt xa nhiều quốc gia phát triển.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) - nhận định, Việt Nam đã chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đồng thời nâng cao vị thế trên trường quốc tế thông qua những bước tiến vững chắc về kinh tế, văn hóa, xã hội.
"Không chỉ đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, mà hình ảnh, uy tín quốc gia cũng ngày càng được củng cố", ông Huân nhấn mạnh.
TS Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng TPHCM - nhận định quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước ngoặt quyết định. Việt Nam không chỉ thừa nhận vai trò của thị trường, mà còn thực hiện hiệu quả vai trò điều tiết, phân bổ nguồn lực của Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh phát triển.
Một trong những thành quả dễ nhận thấy nhất là tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người. Từ một nước với xuất phát điểm thấp có giai đoạn thiếu ăn, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều loại nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều… và đang vươn lên trong ngành công nghiệp ô tô, công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Sự phát triển không chỉ dừng ở các chỉ số kinh tế. Những chuyển biến tích cực về hạ tầng, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đã cải thiện đáng kể chất lượng sống của người dân. Hệ thống điện, nước sạch, trạm y tế và trường học được mở rộng đến tận vùng sâu vùng xa. Việc miễn học phí cho học sinh phổ thông và lộ trình miễn phí khám chữa bệnh cơ bản cho toàn dân đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bao trùm.
Cùng với tăng trưởng ổn định ở mức cao (trung bình 7-8%/năm), Việt Nam ghi dấu ấn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ bán dẫn, năng lượng sạch đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư toàn cầu.
Một bức tranh kinh tế không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Khối kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị thế là động lực chính của tăng trưởng, với hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bên cạnh hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Nhiều tập đoàn tư nhân đã vươn tầm khu vực và thế giới trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, logistics, hàng không, tài chính - tiêu biểu như: Vingroup, Thaco, FPT, Vietjet, Masan...
Khối doanh nghiệp Nhà nước - dù chỉ chiếm chưa đến 700 đơn vị - vẫn nắm giữ các ngành trọng yếu như năng lượng, hạ tầng, tài chính và đóng góp tới hơn 50% tổng tài sản doanh nghiệp cả nước. Với các tên tuổi lớn như EVN, PVN, Viettel…, khu vực này tiếp tục giữ vai trò then chốt trong bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, TS Châu Đình Linh cũng chỉ ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, và hiện nay là kinh tế số, kinh tế xanh, đã mở ra không gian phát triển mới. Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao trong khu vực, đồng thời theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững, và bao trùm.
Một trong những điểm sáng lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Với sản lượng và giá trị xuất khẩu không ngừng tăng, Việt Nam hiện đã có mặt trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với kim ngạch vượt mốc 50 tỷ USD mỗi năm.
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, điều, hạt tiêu và thủy sản đã chiếm lĩnh thị phần quan trọng trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo tính bền vững trong xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh nông nghiệp, công nghiệp - công nghệ đã được xác lập rõ nét trong chiến lược phát triển quốc gia. Dù Việt Nam đi sau trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại, với nền tảng chính trị - xã hội ổn định, vị trí địa kinh tế chiến lược, lực lượng lao động trẻ dồi dào và tốc độ tăng trưởng cao liên tục, đất nước đang thu hút mạnh mẽ các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Trong xu hướng toàn cầu mới, Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như sản xuất ô tô điện, công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin và các ngành công nghệ cao khác. Đây sẽ là những ngành chủ lực giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tạo nền tảng cho một nền kinh tế tự cường và hiện đại.
Nếu đà tăng trưởng này được duy trì, đến hết năm 2025, GDP của Việt Nam có thể đạt 506 tỷ USD, đưa nước ta trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á. Những yếu tố đóng góp chính vào tăng trưởng bao gồm đẩy mạnh đầu tư công, hồi phục tiêu dùng nội địa, mở rộng xuất khẩu và thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cơ hội mới của Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình số và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng trước những cơ hội mới. Theo TS Ngô Minh Vũ, nền kinh tế cần vượt khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và sản xuất đơn giản để chuyển sang kinh tế tri thức, công nghệ cao và kinh tế số. Lợi thế đến từ hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, và một thị trường nội địa đầy tiềm năng.
Đặc biệt, việc hình thành các trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng được kỳ vọng tạo cú hích quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây không chỉ là cơ sở hạ tầng tài chính, mà còn là trung tâm tập hợp nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy dòng vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cũng cần đối mặt và giải quyết những thách thức mang tính dài hạn. Khoảng cách giàu nghèo có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh cơ chế thị trường ngày càng mở rộng. Ông Vũ cảnh báo nếu không có biện pháp điều tiết kịp thời, sự bất bình đẳng có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và làm suy giảm động lực phát triển bền vững.
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu là một vấn đề không thể xem nhẹ. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống đô thị xanh và đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao được xem là các giải pháp cấp thiết.
Ông Vũ cho rằng, với nền tảng đã được gây dựng trong suốt 50 năm qua, cùng với sự chuyển mình của thể chế, con người và công nghệ, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để bước vào một giai đoạn phát triển mới - hiệu quả hơn, bền vững hơn và sáng tạo hơn. Thành công của chặng đường phía trước không chỉ phụ thuộc vào các chỉ số tăng trưởng, mà còn ở khả năng đảm bảo sự công bằng, bao trùm và thích ứng linh hoạt với những thay đổi toàn cầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình. Đây là thời điểm để đất nước tiếp tục tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đồng nghĩa với việc cần chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng dựa trên nhân công giá rẻ sang mô hình dựa trên đổi mới sáng tạo và làm chủ công nghệ lõi.
Công nghệ sẽ đóng vai trò mũi nhọn, là đòn bẩy then chốt của nền kinh tế tương lai. Theo đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào những lĩnh vực công nghệ tiên tiến như: AI, blockchain, điện toán lượng tử, công nghệ vật liệu mới và robotics.
Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào "phần ngọn" như ứng dụng, ông Huân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển "phần gốc" - nghiên cứu cơ bản, đặc biệt là năng lực sản xuất chất bán dẫn, khai thác đất hiếm và khoa học lượng tử.
Ngoài ra, để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cũng cần nhanh chóng nâng cao năng lực nội sinh, hạn chế phụ thuộc vào khu vực FDI. Việc gia tăng vai trò của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết và chuyển giao công nghệ với các tập đoàn nước ngoài sẽ là bước đi then chốt nhằm tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới ở Việt Nam - làm chủ công nghệ, sản phẩm, thị trường.
Còn TS Châu Đình Linh đề xuất định hướng chiến lược phát triển quốc gia xoay quanh các định hướng: Văn hóa quốc gia - Cải cách chính sách - Tăng trưởng xanh - Doanh nghiệp tư nhân - Cải tổ doanh nghiệp nhà nước - Chọn lọc nguồn vốn FDI.
Theo đó, để phát triển bền vững và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam cần xây dựng một hệ giá trị quốc gia - hay còn gọi là "văn hóa quốc gia". Đây là kim chỉ nam cho mọi chiến lược phát triển, giúp xác lập tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và tính nhất quán trong hành động của các cấp, các ngành.
Song song với đó là việc cải cách chính sách vĩ mô, nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hiệu quả và ổn định. Chính sách cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tăng năng suất lao động, từ đó tạo dư địa tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Doanh nghiệp tư nhân cần được xác định là trụ cột trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cần được đầu tư đúng mức, giúp các doanh nghiệp tư nhân vươn lên, cạnh tranh bình đẳng với khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước, cần tiến hành cải cách mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực then chốt mà khu vực tư nhân không tham gia được. Trong khi đó, việc thu hút FDI cũng cần chọn lọc, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Theo TS Ngô Minh Vũ, nền kinh tế cần vượt khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào lao động giá rẻ và sản xuất đơn giản để chuyển sang kinh tế tri thức, công nghệ cao và kinh tế số. Lợi thế đến từ hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, và một thị trường nội địa đầy tiềm năng.
Đặc biệt, việc hình thành các trung tâm tài chính tại TPHCM và Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây không chỉ là cơ sở hạ tầng tài chính, mà còn là trung tâm tập hợp nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy dòng vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cũng cần đối mặt và giải quyết những thách thức mang tính dài hạn. Khoảng cách giàu nghèo có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh cơ chế thị trường ngày càng mở rộng. Ông Vũ cảnh báo nếu không có biện pháp điều tiết kịp thời, sự bất bình đẳng có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và làm suy giảm động lực phát triển bền vững.
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu là một vấn đề không thể xem nhẹ. Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng và thời tiết cực đoan. Việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống đô thị xanh và đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao được xem là các giải pháp cấp thiết.
Chung quan điểm, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phát triển bền vững, tức phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường và bảo vệ bản sắc quy hoạch, kiến trúc, văn hóa. Nếu không thể phát triển bền vững, đất nước sẽ phải trả giá rất đắt để sửa sai.
Đồng thời, đất nước đang bước vào thế kỷ công nghệ thông tin, toàn cầu hóa. Do đó, ông Sơn cho rằng, cần hệ sinh thái công nghệ số, hạ tầng số hóa, phát triển tư duy hợp tác đa ngành. Chính phủ đang bắt đầu theo hướng hợp tác đa ngành, thông qua việc tinh gọn, sáp nhập bộ máy. Đó là xu hướng thế giới, hợp tác đa ngành trên hệ sinh thái số hóa thì càng hiệu quả hơn.
Cuối cùng, ông Sơn hy vọng khơi gợi lên ước mơ Việt Nam, làm sao để toàn xã hội cùng tham gia hợp tác hướng đến mục tiêu chung. Ông lấy ví dụ như mục tiêu an cư lạc nghiệp, người dân có nhà để ở, có công việc để làm, hạ tầng xã hội tiện lợi (trường cho trẻ em, bệnh viện cho người lớn tuổi, dịch vụ thương mại cho vợ chồng trẻ).
Vị kiến trúc sư nhấn mạnh đến ước mơ an cư lạc nghiệp và phát triển đất nước giàu mạnh hơn, tăng trưởng 2 con số trong thập niên tiếp theo, người dân bước qua được bẫy thu nhập trung bình…
Nội dung: Khổng Chiêm, Nhật Quang