Viện kiểm sát: 'nhựa Bình Minh Việt' xâm phạm nhãn hiệu nhựa Bình Minh

Đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM nêu bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty CP nhựa Bình Minh.
Ngày 22.4, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “ống nhựa Bình Minh” giữa nguyên đơn Công ty CP nhựa Bình Minh và bị đơn là Công ty CP nhựa Bình Minh Việt.
Trong phần thủ tục, đại diện nguyên đơn cho biết đã nộp đơn yêu cầu giám định lại. Bởi trong 4 kết luận giám định do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) xác định các dấu hiệu của bị đơn xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký của nguyên đơn, nhưng HĐXX sơ thẩm đánh giá đây chỉ là tài liệu tham khảo, không được coi là chứng cứ.
Theo nguyên đơn, tranh chấp sở hữu trí tuệ cần dựa trên kết luận chuyên môn của cơ quan giám định, việc tòa sơ thẩm tự đánh giá các tài liệu trên mà không trưng cầu giám định lại là thiếu khách quan, không giải quyết toàn diện vụ án.
Sau khi hội ý, HĐXX phúc thẩm cho biết sẽ xem xét trong quá trình xét xử.
Thành tố chính gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là chữ "Bình Minh"
Tại phiên tòa, trả lời HĐXX, nguyên đơn trình bày Công ty CP nhựa Bình Minh đã được bảo hộ 8 nhãn hiệu, trong đó có “BÌNH MINH”, “NHỰA BÌNH MINH”, “ỐNG NHỰA BÌNH MINH” cho nhiều nhóm sản phẩm ống nhựa, keo dán, van nước...
Trong khi đó, bị đơn là Công ty CP nhựa Bình Minh Việt đã sử dụng dấu hiệu “BINH MINH VIET” và cụm từ “NHỰA BÌNH MINH VIỆT” trên cùng nhóm sản phẩm ống nhựa, keo dán, van nước…, gây nhầm lẫn nghiêm trọng về nguồn gốc thương mại cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, khi trả lời đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, nguyên đơn cho biết đã bổ sung 2 vi bằng ghi nhận người tiêu dùng khi mua sản phẩm đã có sự nhầm lẫn. Nguyên nhân nhầm lẫn là do người bán chỉ hỏi “mua ống nhựa loại 1 hay loại 2”, mà không đề cập ống nhựa của Công ty Bình Minh hay Bình Minh Việt.
Luật sư Trương Anh Tú (bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP nhựa Bình Minh) cho rằng thành tố chính gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng chính là chữ “BÌNH MINH”, trong khi Công ty CP nhựa Bình Minh được ra đời từ 1977, còn Bình Minh Việt chỉ mới ra đời năm 2022, nhưng với sản phẩm, nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Luật sư hỏi bị đơn có biết trong ngành nghề của mình có Công ty CP nhựa Bình Minh hay không. Đại diện bị đơn khẳng định không biết. Luật sư tiếp tục hỏi: "Vậy sao không lấy tên khác mà lấy tên Bình Minh". Bị đơn trả lời: “Vì tôi thích”.
Đăng ký nhãn hiệu màu đỏ nhưng in trên sản phẩm màu xanh với dòng chữ khác
Luật sư nguyên đơn đưa ra các chứng cứ thể hiện bị đơn cố tình sử dụng dấu hiệu "BÌNH MINH VIỆT" để gây nhầm lẫn. Cụ thể, khi tra cứu nhãn hiệu này của bị đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ thể hiện nhãn hiệu Bình Minh Việt đăng ký có màu đỏ, dưới có dòng chữ "ống nhựa của người Việt", nhưng khi gắn nhãn hiệu lên sản phẩm lại chuyển sang màu xanh dương, phía dưới thêm dòng chữ "Bình Minh Việt, ống nhựa của người Việt".
"Bị đơn cố ý dùng thêm dấu hiệu Bình Minh Việt tương đồng với màu nhãn hiệu và cụm từ Bình Minh mà nhựa Bình Minh đã được bảo hộ", luật sư Mai Thị Thảo (luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn) nói.
Luật sư Mai Thị Thảo vừa đưa tài liệu dẫn chứng vừa hỏi bị đơn: “Tại sao ông đăng ký màu đỏ, nhưng khi in lên sản phẩm lại là màu xanh dương tương đồng với Bình Minh và dòng chữ khác?”. Bị đơn trả lời: “Tôi bị mù màu, không nhìn thấy”.
Trong phần hỏi đáp và tranh luận giữa các bên, HĐXX rất nhiều lần nhắc nhở bị đơn về cách trả lời.
Tại tòa, bị đơn không đồng ý các yêu cầu nguyên đơn khởi kiện, và trình bày nhãn hiệu "Bình Minh Việt" cũng được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ.
Đại diện bị đơn nêu, ngày 8.8.2024, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu “BVM ống nhựa của người Việt” với kết luận là không tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh.
Tranh luận lại, luật sư Trương Anh Tú (luật sư của nguyên đơn) cho biết văn bản ngày 8.8.2024 mà bị đơn nêu ra chỉ là văn bản thẩm định của Cục Sở hữu trí tuệ, không phải là văn bằng bảo hộ.
Ngoài ra, luật sư nguyên đơn nêu, ngày 7.1.2025, Cục Sở hữu trí tuệ cũng có văn bản trả lời Công ty CP nhựa Bình Minh, thể hiện căn cứ các quy định pháp luật, việc sử dụng yếu tố “nhựa Bình Minh Việt” trong tên doanh nghiệp, trên biển hiệu, phương tiện kinh doanh và việc sử dụng sản phẩm ống nhựa PVC có dòng chữ “sản phẩm của Công ty CP nhựa Bình Minh Việt” của Công ty CP nhựa Bình Minh Việt mà không được chủ sở hữu là Công ty CP nhựa Bình Minh cho phép bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu.
Với nội dung tranh luận trên, chủ tọa hỏi bị đơn có ý kiến hay tranh luận gì thêm không. Bị đơn trả lời "không".