'Viện dưỡng lão cho người trẻ' nở rộ ở Trung Quốc

Sau nhiều năm bị cuốn vào guồng quay công việc tại các thành phố lớn, nhiều người trẻ Trung Quốc chọn về quê “nghỉ hưu sớm" để tìm lại sự cân bằng và ý nghĩa cuộc sống.
Theo Hãng tin AFP, nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống xô bồ và văn hóa làm việc căng thẳng ở thành thị, quyết định “nghỉ hưu sớm” về quê chữa lành và tìm lại chính mình.
Ở Trung Quốc, nơi việc cống hiến hết mình cho công việc được coi trọng. Nghỉ dài hạn từng là điều hiếm thấy. Nhưng sau đại dịch COVID-19, cùng với tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên vượt mốc kỷ lục 15%, nhiều người trẻ bắt đầu lựa chọn tạm dừng guồng quay mệt mỏi để tìm lại sự cân bằng.
“Viện dưỡng lão cho giới trẻ” nở rộ
Tại thị trấn Đại Lý, nổi tiếng với cảnh đẹp ở tây nam Trung Quốc, anh Wang Dong (29 tuổi) đã nghỉ làm nhiều tháng và không có ý định sớm quay lại công việc. Anh đã đến một "viện dưỡng lão cho giới trẻ" ở thị trấn này sau khi chán công việc trong ngành dịch vụ khách sạn.
Tại đây anh dành thời gian đi chùa, học pha trà truyền thống, đi chơi với bạn mới hay đơn giản là nằm dài thư giãn.
“Khoảng thời gian này mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm rất ý nghĩa mà không thể đánh giá bằng vật chất”, anh chia sẻ.
Những “viện dưỡng lão” như vậy - thường đặt ở vùng quê, thị trấn nhỏ hoặc ngoại ô - đang nở rộ và thu hút đông đảo giới trẻ. Họ đón người trẻ trong vài tuần đến vài tháng, tổ chức các hoạt động nhóm như nấu ăn, cắm trại hay chơi trò chơi, mang đến một không gian thư giãn và kết nối.
Anh Yan Bingyi - người sở hữu một nhà nghỉ như vậy, cho biết anh chỉ đón những người dễ trò chuyện nhằm tạo ra môi trường gắn kết và thư giãn. “Tất cả chúng ta đều chịu áp lực vô hình từ xã hội. Khi quá kiệt sức, ta cần ra ngoài, mở rộng tầm nhìn và nghỉ ngơi”, anh nói.
Xu hướng này được gọi là “nằm ườn” (lying flat) hay “cho thối luôn” (let it rot), là cách giới trẻ Trung Quốc phản ứng với văn hóa làm việc kiệt sức, từ chối guồng quay công việc để ưu tiên cho bản thân.
Nghỉ ngơi để trở lại tốt hơn
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với quan điểm “nghỉ hưu” này. Nhiều người cho rằng những “viện dưỡng lão” như thế này chính là nơi nuôi dưỡng sự lười biếng của người trẻ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng kêu gọi giới trẻ phải biết “ăn đắng” - cụm từ chỉ việc sẵn sàng làm việc vất vả.
Trong khi đó, anh Cai Zongmou - một người sáng lập cộng đồng “nghỉ hưu sớm” khác - cho biết đây đơn giản giống như một năm “gap year” để tái tạo bản thân, suy ngẫm về những cách đóng góp khác cho xã hội và quay lại làm việc với một phiên bản trọn vẹn hơn của chính mình.
Anh Chen Qiankun, 21 tuổi, chuyển từ tỉnh Quảng Đông đến làng Đông Vương gần Bắc Kinh với mục tiêu nhân văn hơn: "hồi sinh" các vùng nông thôn bị bỏ quên trong quá trình phát triển kinh tế.
Tại đây anh tổ chức các lớp dạy quay và chỉnh video để giúp dân làng học kỹ năng mới, tăng thu nhập từ việc mở homestay và livestream nhằm giúp ngăn chặn suy thoái nông thôn. “Giới trẻ nghỉ ngơi tạm thời thì không sao, nhưng nếu kéo dài thì thật đáng lo ngại”, anh nói.