Nhảy đến nội dung

Vị thế quân sự Trung Quốc trong xung đột Ấn Độ - Pakistan

Cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan hiện không chỉ gây chú ý bởi tình hình 2 bên mà còn thu hút sự quan tâm về vũ khí của Trung Quốc vốn có thể ảnh hưởng cán cân khu vực.

Chiều qua (10.5), Pakistan và Ấn Độ xác nhận đạt thỏa thuận ngừng bắn và kích hoạt kênh liên lạc quân sự giữa hai bên. Theo Reuters, thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu từ 17 giờ ngày 10.5, theo giờ Ấn Độ. Quan chức quân sự hai bên sẽ liên lạc lại vào ngày 12.5.

Thỏa thuận ngừng bắn bất ngờ được công bố trong bối cảnh cùng ngày 10.5, cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều tố cáo đối phương tấn công các cơ sở nằm sâu bên trong lãnh thổ của mình. Cụ thể, quân đội Pakistan cho biết đã tấn công các địa điểm quân sự bên trong Ấn Độ để đáp trả một cuộc tấn công tên lửa của Ấn Độ vào 3 căn cứ không quân ở tỉnh Punjab của Pakistan. Vài giờ sau, Ấn Độ cho biết đã tấn công 4 căn cứ quân sự ở Pakistan để đáp trả việc Pakistan tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Ấn Độ.

Vũ khí Trung Quốc lên ngôi ?

Trong khi đó, giới phân tích quân sự vẫn đang tìm hiểu xung quanh trận không chiến xảy ra vào ngày 7.5 khi Ấn Độ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào một số cơ sở của Pakistan, vì Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 5 chiến đấu cơ của Ấn Độ bao gồm 3 chiếc Rafale (do Pháp sản xuất), 1 chiếc Mig-29 và 1 chiếc Su-30 (đều do Nga sản xuất).

Dù New Delhi đã bác bỏ thông tin này của Islamabad, thì nhiều nguồn tin vẫn xác nhận có chiến đấu cơ Rafale của không quân Ấn Độ đã bị phía Pakistan bắn hạ. Đặc biệt, nhiều nguồn tin do truyền thông quốc tế dẫn trích, điển hình là nguồn tin tình báo từ Mỹ tiết lộ với Reuters, cũng xác nhận Pakistan đã sử dụng chiến đấu cơ J-10 phóng tên lửa PL-15 (đều do Trung Quốc sản xuất) bắn hạ máy bay của Ấn Độ. Trong đó, J-10 là chiến đấu cơ thế hệ 4+ và tên lửa PL-15 được đánh giá là tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt là khả năng truy kích mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh.

Từ thông tin chiến đấu cơ Pakistan bắn hạ chiến đấu cơ Ấn Độ, ông Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu thời báo, nhanh chóng tung hô: "Vũ khí của Trung Quốc đã hoàn toàn vượt qua Nga và Pháp". Giá cổ phiếu của Công ty sản xuất máy bay Thành Đô (Trung Quốc) nhanh chóng tăng lên 36% chỉ sau 2 ngày, bởi đây chính là công ty sản xuất các loại chiến đấu cơ J-10 và JF-17 mà Pakistan đang sở hữu.

Một số nhà quan sát nhận định nếu chiến đấu cơ và tên lửa Trung Quốc thể hiện được ưu thế vượt trội trước vũ khí phương Tây như máy bay Rafale vốn có hệ thống điện tử tiên tiến, thì cán cân quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi. Cụ thể hơn, với ưu thế về vũ khí, Trung Quốc còn sẽ có ưu thế cao hơn trước Mỹ, đồng thời cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan cũng thay đổi vì sức mạnh nghiêng về Bắc Kinh nhiều hơn.

Cần thêm dữ liệu

Thế nhưng, thực tế thì chi tiết cuộc không chiến ngày 7.5 giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa có nhiều thông tin rõ ràng.

CNN dẫn thông tin từ một quan chức an ninh cấp cao của Pakistan tiết lộ hai bên triển khai tổng cộng 125 chiến đấu cơ tham gia trận không chiến kéo dài trong vòng hơn 1 giờ. Tuy nhiên, không máy bay của bên nào vượt biên giới để tiến vào không phận của đối phương. Vì thế, chiến đấu cơ của 2 bên cách khá xa nhau trong trận không chiến, có lúc cách nhau hơn 160 km.

Thế nhưng, nguồn tin vừa nêu không chỉ rõ số lượng chiến đấu cơ của mỗi bên tham chiến và cuộc đụng độ có sự tham gia của các hệ thống tên lửa phòng không hay không, thế trận của trận đánh ra sao. Đến nay, nguồn tin khả tín nhất chỉ mới xác nhận 2 chiến đấu cơ Ấn Độ bị bắn hạ trong trận đánh trên. Nếu số lượng máy bay bị bắn hạ chỉ là 2, tính trên tổng số 125 chiến đấu cơ tham gia trận đánh kéo dài hơn 1 giờ, thì chưa để kết luận sự vượt trội của vũ khí bên nào.

Thêm vào đó, Reuters dẫn nguồn tin từ quan chức quân sự Mỹ tiết lộ 2 chiến đấu cơ Ấn Độ bị bắn hạ bởi 1 máy bay J-10 của Pakistan. Thông tin này đồng nghĩa với việc trong vụ 2 máy bay bị bắn hạ, thì có thể kỹ năng tác chiến của phi công điều khiển chiếc J-10 có vai trò rất lớn, chứ chưa hẳn là do sự vượt trội của dòng chiến đấu cơ này và tên lửa kèm theo.

Chính vì thế, để đánh giá toàn diện hơn về yếu tố vũ khí trong trận đánh trên, giới quan sát có lẽ cần thêm thông tin.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn