Nhảy đến nội dung
 

Văn hóa, thời trang và du lịch Việt vào Metaverse

Giới trẻ Việt đang biến Metaverse (vũ trụ ảo) từ sân chơi công nghệ thành không gian kể chuyện văn hóa, giới thiệu thời trang, hướng dẫn du lịch...


Metaverse - thuật ngữ chỉ không gian ảo ba chiều tích hợp thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI), đang phát triển nhanh chóng tại VN và thế giới. Theo các báo cáo từ IDC, Statista và Bloomberg Intelligence, giá trị thị trường Metaverse là nhiều chục tỉ USD vào năm 2024 và có thể lên đến hàng trăm tỉ USD vào năm 2030.

Tại VN, mặc dù Metaverse đang trong giai đoạn phát triển sơ khai, nhưng gen Z, Y đã nhanh chóng nắm bắt, chuyển thể giá trị truyền thống vào không gian AR. Dù là áo dài, sản phẩm thủ công làng nghề, những điệu múa truyền thống hay các di sản văn hóa, địa danh xếp hạng… đều được số hóa sống động qua avatar, hình ảnh 3D, khiến người dùng tiếp cận một cách gần gũi, dường như có thể "sờ" thấy, "cảm" thấy văn hóa, nghệ thuật dân tộc giữa môi trường ảo.

Những "biên tập viên văn hóa số" đầy sáng tạo

Tự hào về truyền thống dân tộc, nhiều bạn trẻ "tự nhiên" trở thành người kể chuyện chủ động, một số khác hào hứng tiếp nhận và lan tỏa, biến văn hóa truyền thống thành nội dung giải trí ghi dấu trong cộng đồng trong nước, quốc tế. Nhà thiết kế sinh năm 1999 Hà Minh Trang (thương hiệu Áo Dài Future) kết hợp công nghệ AR để khi người dùng quét camera, hình ảnh hoa sen, họa tiết trống đồng sẽ hiện ra sống động. Sản phẩm được giới thiệu tại EXPO Osaka 2025, thu hút sự chú ý từ truyền thông quốc tế - minh chứng rõ phong cách đổi mới sáng tạo một cách khác biệt, táo bạo thời của gen Z.

Trên TikTok, các thương hiệu như Đồng Creative tạo ra những thiết kế cổ phục đầy tinh tế, kết hợp AI và đồ họa 3D, hoặc những biên đạo múa, đạo diễn trẻ số hóa những điệu múa truyền thống vào không gian avatar, mở ra cảnh tượng múa dân gian tương tác. Những video này không chỉ đạt hàng triệu lượt xem mà còn lan truyền mạnh mẽ qua cộng đồng sáng tạo quốc tế, đưa văn hóa Việt tiếp cận lớp trẻ toàn cầu.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Long (Học viện Zinble, Hà Nội) chia sẻ: "Metaverse và AI mở ra cách kể chuyện đa chiều cho văn hóa. Tôi đã hợp tác cùng các nhà thiết kế như Lê Thanh Hòa, Cao Minh Tiến, Lê Lâm…, để tạo ra những bộ ảnh tích hợp AR - xuất hiện trên Instagram và Fstoppers (một cộng đồng trực tuyến). Bạn chỉ cần soi camera của điện thoại thông minh vào đó là những họa tiết như hoa sen, cánh hạc sống động hiện ra vô cùng hấp dẫn và thú vị. Chúng tôi không đơn thuần chỉ là phát triển dự án cá nhân, mà còn rất tự hào khi thành công trong việc đưa các vẻ đẹp văn hóa, thời trang Việt lên không gian ảo trong, ngoài nước bằng các công nghệ mới…".

Tái sinh di sản, định vị những giá trị và bản sắc truyền thống

Gen Z, gen Y không chỉ bảo tồn mà còn muốn làm mới hồn cốt dân tộc. Bạn trẻ Phạm Đức Long, đồng sáng lập kênh Hành trình di sản, một kênh rất hot trên TikTok, Facebook, YouTube, nói: "Chúng tôi không chỉ làm video, mà còn đặt câu hỏi: Bản sắc liệu có bị mất đi hay nếu làng nghề bị mai một, lãng quên? Công nghệ từ mạng xã hội và Metaverse giúp trả lời điều này và làm câu chuyện sống dậy, sinh động với mọi thế hệ".

Trong số những người trẻ đi đầu về công nghệ số từ AI đến Metaverse không thể không kể đến những bạn trẻ của Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) - nơi vừa có đội tuyển giành giải cao trong cuộc thi đình đám AI for Good Việt Nam. Trò chuyện với phóng viên Thanh Niên, giáo viên hướng dẫn đội Đỗ Thị Hoàng Anh cho biết học sinh của cô vừa đoạt giải nhất AI for Good Việt Nam đồng thời vào top 15 đội xuất sắc nhất toàn quốc với các dự án chuyển tải ngôn ngữ, văn hóa, cảm xúc qua nhận diện giọng nói. Cô nói: "AI là cầu nối để gen Z đưa nội dung văn hóa Việt ra thế giới qua ngôn ngữ quốc tế, giúp gần gũi, xác thực và tạo được hiệu ứng cảm xúc giữa mọi người với nhau".

Metaverse có thể trở thành nơi để người trẻ Việt nghe - thấy - cảm - tương tác và trải nghiệm văn hóa. Không chỉ dừng lại ở scan 3D, không gian ảo có thể cho phép trải nghiệm Hoàng thành cổ kính, Cung đình Huế uy nghiêm hoặc tham quan làng nghề thủ công bằng avatar…, tất cả đều rất mới lạ, cuốn hút.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng được thế giới ảo đa giác quan chuẩn mực và giàu cảm xúc, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyên môn hóa nhân lực, định hướng người dùng và đảm bảo tính chính xác lịch sử đi cùng tính hấp dẫn. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để văn hóa Việt thực sự "sống" theo cách hiện đại và bền vững.

Dù chưa có nhiều Metaverse đình đám hoàn chỉnh, song hiện ngày càng nhiều gen Z, gen Y Việt dùng AR, AI và avatar để làm cho văn hóa sống động và lan tỏa trên ngôn ngữ toàn cầu. Metaverse không chỉ là sân chơi công nghệ mà còn là hành lang để văn hóa Việt bước ra thế giới, hiện thân của sự thân thiện, giàu cảm xúc và giữ vững bản sắc riêng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn