Nhảy đến nội dung
 

Tú Sương nối nghiệp xưa với Hồ Nguyệt Cô

Sân khấu Thiên Long vừa phúc khảo xong vở cải lương tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Nghệ sĩ Tú Sương thể hiện nhân vật chính: Hồ Nguyệt Cô.

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là kịch bản kinh điển được sử dụng rất nhiều trong hát bội, chèo, cải lương tuồng cổ. Với bản dựng mới của Thiên Long, khán giả ái mộ chờ đợi Tú Sương tỏa sáng.

Tú Sương mê Hồ Nguyệt Cô từ người đi trước

Tú Sương là hậu duệ đời thứ năm của gia tộc hát bội - cải lương tuồng cổ Minh Tơ có trăm năm theo nghiệp hát. 

Sương tâm sự khi đi hát chầu cô thường xuyên gặp và rất thích xem các nghệ sĩ hát bội như Mỹ Hằng, Ngọc Khanh, Ngọc Dung... thể hiện nhân vật Hồ Nguyệt Cô. Vì yêu thích nên nhân vật cũng thấm vào cô.

Hồi ở Đoàn Đồng ấu Bạch Long, cô và chị bà con của mình là Trinh Trinh thường diễn trích đoạn này do thầy Bạch Long chỉ dạy. 

Nhưng lúc đó Trinh Trinh đóng vai Hồ Nguyệt Cô, còn Tú Sương giả nam vào vai Tiết Giao. "Chị Trinh Trinh có kinh nghiệm đóng vai Hồ Nguyệt Cô nhiều hơn tôi. Chị đóng ngày càng hay và coi rất thích, bởi chị chăm chút kỹ lưỡng trong từng chi tiết" - Tú Sương nói.

Cô kể cách đây hai năm khi làm tuồng San hậu, ê kíp có mời nghệ sĩ Ngọc Dung đến chỉ dạy về vũ đạo. Sau buổi tập, Tú Sương có nhờ bà chỉ cô thêm nhân vật Hồ Nguyệt Cô và bà đã tận tình truyền nghề.

Lần này Hồ Nguyệt Cô hóa cáo được Sân khấu Thiên Long nhờ tác giả Hùng Nhã viết mới (đạo diễn Võ Hoàng Phương) với nhiều nhân vật hơn và lý giải về nhân vật Hồ Nguyệt Cô cũng khác hơn. 

Tú Sương bày tỏ từ xưa khi xem vở này cô cảm nhận Hồ Nguyệt Cô lãng mạn, nhẹ dạ, cả tin và lụy tình. Ở bản dựng mới, cá nhân cô thích và cảm thấy dễ diễn hơn khi tác giả lý giải căn nguyên Hồ Nguyệt Cô yêu Tiết Giao khi đã có chồng.

Đó là vì sự đền ơn và chàng là tình đầu kiếp trước của nàng. "Người phụ nữ thường có chút yếu mềm, ủy mị, nhất là với tình đầu. Ở đây nàng có sự lấn cấn giữa ân nghĩa và tình cảm, chứ không là người đàn bà lang chạ như người đời vẫn nghĩ" - Tú Sương lý giải về nhân vật.

Phụ trách vũ đạo cho vở diễn là nghệ sĩ Thanh Sơn - cậu ruột của Tú Sương. Cảnh hóa cáo của Nguyệt Cô không diễn ra trong dinh thự như kịch bản gốc mà chuyển ra khu rừng cũng là cách "làm khó" thêm cho Tú Sương.

Không còn bàn ghế để Nguyệt Cô diễn nên Tú Sương đã đề nghị thiết kế thêm các dây leo trong rừng để cô tựa vào đó thể hiện trình thức vũ đạo. Vì "tự làm khó mình" nên sau buổi phúc khảo tay Tú Sương đã bị thương, cô phải đi bác sĩ vì có dấu hiệu trật gân, trật khớp.

Bi kịch của Hồ Nguyệt Cô

Có thể nói nếu khán giả đã mê hát bội, cải lương tuồng cổ thì chắc chắn phải biết đến tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Tuồng ban đầu có tên Cổ miếu vãn ca, nhưng sau này người ta vẫn quen gọi là Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. 

Ra đời hơn 150 năm nhưng đến nay khán giả vẫn mê đắm và là một trong những tuồng hát bội có sức sống lâu bền. Không chỉ vậy, vở còn được chuyển thể qua những hình thức khác như chèo, cải lương, đặc biệt là cải lương tuồng cổ.

Nghệ sĩ Hữu Danh cho Tuổi Trẻ biết kịch bản Hồ Nguyệt Cô hóa cáo do ông Nguyễn Diêu (1822 - 1880) - nhà soạn tuồng người Bình Định, thầy của hậu tổ hát bội Đào Tấn - viết. Sau đó, Đào Tấn có chỉnh lý lại kịch bản.

Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là câu chuyện về Hồ Nguyệt Cô - hồ ly tu luyện ngàn năm được hóa thành người. Khi xuống trần, nàng gặp và kết hôn với Võ Tam Tư (tướng dưới trướng Võ Tắc Thiên). Trong một lần ra trận giúp chồng, Hồ Nguyệt Cô đã bất ngờ gặp mặt Tiết Giao - chàng dũng tướng đẹp trai, tài cao - và rung động nên tha mạng cho chàng.

Nhờ Lý Tịnh hé lộ, Tiết Giao biết được sức mạnh của Hồ Nguyệt Cô là viên ngọc trong người mà cô tu luyện ngàn năm mới có được. 

Tiết Giao lên kế hoạch dùng "nam nhân kế" khiến Nguyệt Cô trúng bẫy tình và trao ngọc cho chàng, đánh mất khổ công tu luyện, từ người trở lại kiếp cáo, trong khi người tình thì thản nhiên phủi tay ra đi.

Nghệ sĩ Hữu Danh của Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM chia sẻ: "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo là tuồng mà nhà hát chúng tôi biểu diễn thường xuyên, nhất là những đợt hát chầu, cúng đình". 

Ông nói khán giả mê nhất là lớp Hồ Nguyệt Cô nhả ngọc trao cho Tiết Giao và sau đó vì mất ngọc mà phải từ người trở lại thành cáo. Đây là lớp diễn mà cứ đi hát là khán giả ở dưới thảy tiền lên tặng nghệ sĩ đầy sân khấu, nói vui là lớp hát "ăn tiền".

Lý do là với lớp diễn này khán giả sẽ được coi đã đời những trình thức vũ đạo đẹp của nghệ thuật hát bội.

Từ cái cách diễn viên phải diễn tả ước lệ để người xem thấy được sự khó khăn khi Hồ Nguyệt Cô đẩy ngọc từ trong người ra ngoài miệng. Rồi cảnh hóa cáo phải diễn tả sự đau đớn, sự ngứa ngáy cho đến khi không còn giọng người, chỉ là tiếng ú ớ của loài thú.

"Khi không còn nói được, Hồ Nguyệt Cô đành bất lực dùng hành động diễn tả tâm trạng này. Đây là đoạn diễn cực kỳ khó, đòi hỏi diễn viên phải cứng, giỏi nghề và có sức khỏe. Đó là đoạn độc diễn, diễn viên phải làm chủ sân khấu một mình.

Diễn viên phải lăn lộn diễn tả nỗi đau, phải nhảy trên bàn, những chiếc ghế, có cảnh phải quéo chân ôm chân ghế bật ngửa ra và cố giấu chiếc đuôi hồ ly như cố níu kéo hy vọng mỏng manh làm người. Tay chân co quắp, miệng chu mỏ thể hiện hình ảnh cáo.

Nói chung đây được xem là lớp diễn "đinh" đòi hỏi diễn viên vừa giỏi vũ đạo, vừa thể hiện được sâu sắc tâm lý nhân vật. Nhiều nghệ sĩ khi diễn lớp này dễ gặp sự cố vì bị té, diễn xong ai nấy thở hồng hộc vì mệt" - ông Hữu Danh phân tích.


 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn