Trung Quốc và Brazil đàm phán về hành lang hậu cần xuyên lục địa

Sáng kiến này là một phần trong các thỏa thuận chiến lược được ký vào tháng 11/2024 trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Thủ đô Brasília. Việc xây dựng một tuyến đường bộ nối Brazil với bờ biển Thái Bình Dương của Peru là trụ cột chính trong các thỏa thuận này. Chuyến đi có sự tham gia của đại diện Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (China State Railway Group).
Theo đó, phái đoàn này đã đến các khu vực miền Trung Tây và miền Bắc của Brazil, khảo sát các dự án giao thông tại các bang như Mato Grosso, Goiás, Rondônia và Acre, đồng thời đánh giá các cơ hội đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy.
Mục tiêu chính của chuyến thăm là nghiên cứu tính khả thi của Hành lang Liên đại dương Brazil-Peru, tuyến đường sắt xuyên lục địa kết nối Brazil với Thái Bình Dương thông qua siêu cảng Chancay của Peru.
"Tuyến đường sắt nối tới Thái Bình Dương sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ bờ biển Brazil tới châu Á khoảng 10 ngày", một quan chức của Brazil cho biết.
Hành lang Liên đại dương được đề xuất vào năm 2014, nhằm kết nối các trung tâm công nghiệp ở Brazil với các cảng ở Chile. Tuy nhiên, những thay đổi về hạ tầng, như tuyến đường cao tốc Thái Bình Dương nối các tuyến đường liên bang của Brazil và Peru, cùng với sự thay đổi trong động lực thương mại khu vực, đòi hỏi phải xem xét lại lộ trình.
Việc khánh thành siêu cảng Chancay vào tháng 11 năm ngoái cũng là một trong những yếu tố góp phần thay đổi cục diện. Đây là cảng nước sâu lớn nhất trên bờ Thái Bình Dương của Nam Mỹ, với khoản đầu tư 3,5 tỷ USD từ Trung Quốc, có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn và rút ngắn thời gian vận chuyển từ Trung Quốc tới Nam Mỹ lên tới 20 ngày.
Phái đoàn Trung Quốc bắt đầu hành trình khảo sát bằng chuyến thăm điểm giao nhau giữa đường sắt Bắc-Nam và Fico. Đây là một trong hai tuyến đường sắt Đông-Tây được chính phủ Brazil tái đầu tư vào năm ngoái, đặt tại thị trấn Mara Rosa. Cùng với Fiol - tuyến đường sắt nối tới bờ biển phía Đông, mạng lưới đường sắt này sẽ kéo dài từ bờ Đại Tây Dương tới biên giới với Peru, đi qua các bang Bahia, Goiás và Mato Grosso.
Việc kết nối với đường sắt Bắc-Nam sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận, tạo thành trục xương sống của Hành lang liên đại dương, đồng thời hướng tới việc tích hợp với cảng Porto Sul ở Bahia. Ông Leonardo Ribeiro, Thư ký quốc gia phụ trách Vận tải Đường sắt của Brazil, cho biết, dự án này dựa chủ yếu trên cơ sở hạ tầng đã được chính phủ Brazil xây dựng, nhằm vận chuyển sản phẩm nông sản và khoáng sản từ ba bang Bahia, Goiás và Mato Grosso ra cảng Đại Tây Dương.
Vị này cũng lưu ý rằng, việc xây dựng tuyến đường sắt hướng tới Thái Bình Dương sẽ giúp vận chuyển hàng hóa tới cảng Chancay. "Brazil xuất khẩu 350 tỷ USD mỗi năm và hơn một phần ba trong số đó là sang Trung Quốc. Trong lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, 60% là quặng sắt và đậu nành, những mặt hàng cần vận chuyển bằng đường sắt", ông cho biết.
Việc sử dụng cảng Chancay không chỉ giúp rút ngắn thời gian giao hàng mà còn tránh được việc phải đi qua kênh đào Panama.
Trong chuyến thăm, phái đoàn Trung Quốc cũng đã khảo sát cảng Santos để đánh giá khả năng tích hợp vào hành lang này.
Anh Vũ (theo Macao News)