Nhảy đến nội dung

Trung Quốc đẩy nhanh tham vọng tàu sân bay

Trung Quốc không chỉ tăng cường số lượng mà còn đẩy mạnh các khả năng tác chiến của tàu sân bay.

Tờ Newsweek vừa dẫn một số hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành đợt xây dựng thêm hạ tầng cho việc mở rộng hạm đội, trong đó bao gồm việc đồn trú tàu sân bay.

Cải thiện chiến đấu cơ tàu sân bay

Hiện nay, Trung Quốc có 3 tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông và Phúc Kiến. Trong đó, Phúc Kiến là tàu duy nhất được trang bị hệ thống phóng máy bay nhưng còn đang chạy thử chứ chưa hoạt động chính thức. Hai tàu còn lại là Liêu Ninh và Sơn Đông đã hoạt động chính thức. Tuy nhiên, 2 tàu này mang thiết kế kiểu "nhảy cầu" với phần mũi chếch lên.

Trong khi đó, chiến đấu cơ J-15 dành cho tàu sân bay Trung Quốc lại có trọng lượng rỗng cũng như trọng lượng cất cánh tối đa khá lớn so với chiến đấu cơ cùng loại của các nước khác. Vì thế, việc cất hạ cánh trên tàu sân bay gặp nhiều khó khăn khi không có hệ thống phóng hỗ trợ, đồng thời số lượng vũ khí mang theo cũng giới hạn.

Chính vì thế, Trung Quốc đang tìm cách nâng cao hiệu quả tác chiến cho các dòng J-15 trên tàu sân bay. Mới đây, nước này bắt đầu triển khai phiên bản chiến đấu cơ J-15D chuyên tác chiến điện tử và có khả năng cảnh báo sớm, nhằm tăng cường khả năng tác chiến của tàu sân bay. Bên cạnh đó đó, phiên bản J-15B vừa qua cũng đã xuất hiện. Đây là phiên bản chiến đấu cơ 1 chỗ ngồi, đồng thời được trang bị hỗ trợ xuất kích bằng bộ phóng máy bay. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang sẵn sàng khả năng triển khai tàu sân bay Phúc Kiến có bộ phóng máy bay bằng điện từ.

Để cạnh tranh với Mỹ hiện đã triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 trên tàu sân bay, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm việc cất hạ cánh chiến đấu cơ thế hệ 6 của nước này trên tàu sân bay. Tháng 4 vừa qua, tờ South China Morning Post xúc tiến xây dựng hệ thống máy tính mô phỏng việc cất và hạ cánh chiến đấu cơ J-36 trên tàu sân bay. J-36 là loại chiến đấu cơ thế hệ 6 mà Trung Quốc đang phát triển.

Thời gian qua, Bắc Kinh cũng đã phát triển loại chiến đấu cơ thế hệ 5 J-35 bao gồm cả phiên bản tàu sân bay. Tuy nhiên, thực tế thì sau hơn 10 năm kể từ khi bay thử lần đầu, J-35 vẫn chưa hoàn thiện để sẵn sàng biên chế và tất nhiên phiên bản J-35B có thể sử dụng cho tàu sân bay có bộ phóng máy bay vẫn chưa thành hiện thực. Chính vì thế, trong tương lai gần thì tàu sân bay của Trung Quốc dường như vẫn phải sử dụng loại chiến đấu cơ J-15.

"Hàng không mẫu hạm hóa" tàu đổ bộ tấn công

Song song việc phát triển tàu sân bay, Trung Quốc cũng đang tăng cường tàu đổ bộ tấn công khi bổ sung thêm loại Type 076. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, tàu Type 076 dài hơn 250 m và có thể tích hợp hệ thống phóng máy bay bằng điện từ tương tự tàu sân bay Phúc Kiến. Kèm theo đó là nhà chứa máy bay và các hạ tầng cần thiết để mang theo chiến đấu cơ tác chiến. Trung Quốc đã đóng xong 1 chiếc Type 076 với độ choán nước lên đến 50.000 tấn, nhỏ hơn không đáng kể so với độ choán nước khoảng 60.000 tấn của tàu Liêu Ninh.

Trước tàu Type 076, Bắc Kinh cũng đã phát triển tàu đổ bộ tấn công Type 075 có độ choán nước khoảng 40.000 tấn và chiều dài khoảng 230 m. Tuy chưa tiến hành nâng cấp nhưng tàu Type 075 cũng từng được Trung Quốc úp mở có thể tiến đến mang theo chiến đấu cơ.

Nhiều năm qua, Mỹ cũng nâng cấp các dòng tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp và America có thể mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 để triển khai tác chiến tàu sân bay. Đây cũng chính là mô hình mà nhiều nước đã áp dụng, điển hình Nhật Bản có tàu lớp Izumo được trang bị chiến đấu cơ F-35. Tuy nhiên, để triển khai hoàn thiện các tàu đổ bộ theo phương thức vừa nêu, các nước đều phải trải qua nhiều năm thử nghiệm và phát triển bởi đường băng trên tàu đổ bộ tấn công bị nhiều giới hạn so với tàu sân bay chuyên dụng.

Trong khi đó, Trung Quốc đến nay vẫn còn nhiều hạn chế về vận hành cũng như chủng loại chiến đấu cơ để dùng cho tàu sân bay. Cụ thể, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-35 hay J-36 thì chưa có thời điểm sẵn sàng. Trong khi đó, chiến đấu cơ J-15 hiện tại thì trọng lượng quá nặng nên giới hạn về khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay và thách thức càng lớn hơn nếu sử dụng cho tàu đổ bộ tấn công vốn có chiều dài đường băng ngắn hơn khá nhiều so với tàu sân bay thực thụ.

Chính vì thế, tham vọng vừa nêu của Trung Quốc có lẽ vẫn cần thêm nhiều thời gian để trở thành hiện thực.

 
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn