Nhảy đến nội dung
 

Trở về sau gần 60 năm lưu lạc, người phụ nữ hỏi một câu khiến cả nhà òa khóc

Được bố mẹ gửi đến nhà dì ruột chơi khi 9 tuổi, bà Dung không ngờ gần 60 năm sau mới có thể gặp lại người thân trong nước mắt.

Năm 1969, cô bé 9 tuổi tên Tám (tên thật là Trần Thị Dung), sống cùng với cha mẹ tại mảnh đất bên bờ sông Vu Gia (xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam), được gửi sang nhà dì ruột ở Đà Nẵng chơi.

Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng Tám được nhìn thấy cha mẹ ruột. Một chuyến đi tưởng ngắn ngủi nhưng kéo dài… gần 60 năm.

Cuộc lưu lạc gần trọn đời

Một buổi sáng năm 1969, thấy chú dì lên xe đi đâu đó, cô bé Tám liền chạy theo sau. Trong khoảnh khắc mất dấu người thân, Tám bước lên một chiếc phà rồi tiếp tục lên xe chở trái cây, lang thang đến ngã ba Huế.

Cũng từ đây, cuộc đời của cô bé 9 tuổi rẽ sang hướng hoàn toàn khác.

Bé Tám được một người soát vé mang về nuôi. Vì hoàn cảnh khó khăn, Tám không được đi học.

Năm 17 tuổi, bà nghe lời khuyên của một cán bộ gần nhà, đi thanh niên xung phong, tham gia xây dựng hồ Vĩnh Trinh. Năm 1980, bà vào Đức Cơ (Gia Lai) khai hoang, xây dựng kinh tế mới và gắn bó đến hôm nay.

Tại đây, bà lấy chồng là bộ đội quê ở Quảng Nam, sinh được 4 người con.

Sau đó, chồng bà bị tai biến, nằm liệt giường suốt 8 năm, còn bà bị ung thư. Bà phải cạo mủ cao su, làm thuê để nuôi con và lo thuốc thang. Căn nhà của bà được xây từ một nửa là tiền hỗ trợ của hội cựu chiến binh.

Điều khiến bà đau đáu nhất không phải là bệnh tật, mà là nỗi trống vắng trong tim. Bà không nhớ nổi quê mình cụ thể ở đâu, không có bất kỳ giấy tờ hay kỷ vật nào từ cha mẹ.

Trong ký ức của mình, cô bé 9 tuổi chỉ nhớ mang máng quê mình có trồng thuốc lá, có dòng sông, có vùng đất trồng cam, quýt bên kia bờ.

Không ai có thể giúp bà Dung tìm được người thân. Chỉ có một địa danh bà nhớ chắc chắn là "ngã ba Huế".

“Người ta có cha, có mẹ, còn mình chẳng có ai. Tôi chỉ ước một lần được gọi tiếng cha mẹ thật lòng. Tôi mà tìm được gia đình chắc tôi khóc, ngất luôn ấy”, bà từng nghẹn ngào nói với người hàng xóm.

Gia đình tìm trong vô vọng

Ngay sau khi hay tin con gái mất tích năm 1969, cụ Nghiên - mẹ của bà Dung - đã lặn lội lên Đà Nẵng nhờ người quen giúp đỡ đi tìm. Suốt nhiều ngày, cụ đi hỏi khắp nơi nhưng không có manh mối nào.

Cụ nghi ngờ em gái đã bán con mình và mang nỗi giận ấy cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Trước khi qua đời, cụ dặn các con: “Nếu có điều kiện, phải đi tìm em. Mẹ tin em vẫn còn sống, đang ở đâu đó”.

Nhưng cuộc sống nghèo khó, chiến tranh loạn lạc, thiếu phương tiện thông tin khiến các anh chị của bà Dung bất lực, không biết tìm em ở đâu dù đã cố gắng rất nhiều.

Vợ chồng bà Dung không có ai thân thích, chỉ có một người thủ trưởng trước đây ông bà xem như người anh - ông Quách Đức Thục người Thanh Oai (Hà Nội).

Ông Thục là người làm đám cưới cho vợ chồng bà Dung, cũng là người đại diện đám cưới cho 4 người con của bà. Chính ông Thục giục bà Dung gửi thư đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly (NCHCCCL).

Ngày đoàn tụ, bà ôm chầm lấy người thân, nức nở hỏi: “Sao anh chị không đi tìm em?”. Câu hỏi khiến tất cả òa khóc, không phải vì trách móc mà vì bao năm nỗi nhớ bị chôn chặt giờ mới vỡ òa.

“Em không ngờ gia đình mình còn sống. Em mừng lắm, anh chị ơi”, bà Dung nghẹn ngào nói với anh chị ruột và giới thiệu họ với 4 người con của mình.

Cái ôm, cái nắm tay, tiếng gọi nhau bằng cái tên thuở bé... như vỡ òa sau gần 60 năm xa cách. Cha mẹ bà đã về nơi chín suối, giấc mơ gặp lại cha mẹ không thành nhưng gặp được anh chị với bà đã là một phép màu.

"Ngày xưa mẹ để cho em có chỏm tóc trên đầu này chị ơi", hai chị em nắm tay nhau cười nói nhắc lại quá khứ. Có nụ cười, có nước mắt nhưng tất cả đều là những cảm xúc hạnh phúc sau 56 năm lưu lạc.

Một chuyến đi chơi, một lần lạc mất nhưng tình thân thì chưa bao giờ rời xa. Chỉ là phải đi qua gần hết đời người họ mới tìm thấy nhau…