Trình sửa Luật Năng lượng nguyên tử, Thủ tướng được quyết chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân

Việc sửa đổi dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử, triển khai các dự án điện hạt nhân.
Chiều 5-5, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) do Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày, nhấn mạnh trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, việc phát triển năng lượng nguyên tử là cần thiết.
Bốn chính sách lớn phát triển năng lượng nguyên tử
Đặc biệt khi các chính sách hiện hành đang bộc lộ bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát sinh sự chồng chéo và chưa theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân.
Vì vậy dự thảo luật bám sát 4 chính sách đã được Chính phủ nhất trí, đó là thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước.
Tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.
Đáng chú ý, trong dự luật đã tăng phân cấp, phân quyền. Cụ thể Chính phủ đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân cho Thủ tướng, thay vì Quốc hội như theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công hiện hành.
Đại diện cơ quan thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy bày tỏ cơ bản nhất trí với quan điểm xây dựng dự luật và tên gọi, phạm vi của dự án luật.
Tuy nhiên cơ quan này đề nghị cơ quan xây dựng dự luật quy định rõ cơ quan pháp quy hạt nhân và mối quan hệ công tác; có đủ thẩm quyền, năng lực kỹ thuật và quản lý; hoạt động tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh hạt nhân của IAEA và các điều ước quốc tế liên quan.
Nhất trí với sự cần thiết và nội dung thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử, song cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ đến khả năng bảo đảm an toàn của cá nhân, tổ chức khi đầu tư, thành lập cơ sở tiến hành công việc bức xạ, cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ.
Bổ sung thêm các quy định đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân
Đối với an toàn, an ninh hạt nhân, cần bổ sung quy định việc phê duyệt thiết kế, phải được cơ quan pháp quy hạt nhân của nước đối tác thẩm định và phê duyệt, có tính đến các yêu cầu đặc thù của Việt Nam.
Trường hợp nhà máy điện hạt nhân và lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu do các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tự thiết kế thì cần bổ sung quy định về việc tuân thủ yêu cầu về an toàn và an ninh hạt nhân của IAEA.
Với thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cần thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, các quy định pháp luật có liên quan để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động và đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai, tăng phân cấp, phân quyền.
Đối với chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung chính sách liên quan đến việc kiểm soát các chất thải, rà soát quy định kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đảm bảo khả thi, chặt chẽ.