Nhảy đến nội dung

Trẻ dễ mắc bệnh nặng sau sởi - Báo VnExpress

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết như trên, thêm rằng đây được coi là tình trạng hậu sởi, xảy ra khi cơ thể không có khả năng chống lại các mầm bệnh khác.

"Tình trạng suy giảm miễn dịch sau sởi có thể kéo dài hơn một năm kể từ thời điểm mắc", bác sĩ Trang nói.

Trong thời gian này, mầm bệnh có thể tấn công gây viêm phổi hoặc mắc các bệnh nguy hiểm khác. Đơn cử, bệnh nhi một tuổi, viêm phổi sau khi khỏi bệnh sởi với tổn thương nhu mô phổi hai bên. Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM hồi tháng 1, phải điều trị bằng khí dung, truyền kháng sinh trong 9 ngày mới hồi phục.

Một số bệnh viện cũng ghi nhận ca nặng do mắc thêm bệnh khác sau khi khỏi sởi. Như đầu tháng 3, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận bé gái 5 tuổi nhiễm cúm A sau khi mắc sởi ba tuần, sốt cao kéo dài, ho đờm, suy hô hấp tiến triển phải đặt nội khí quản, thở máy. Một bé khác mắc sốt xuất huyết chỉ sau một tuần khỏi bệnh sởi, nhập viện từ tháng 4 đến 6/5 mới hồi phục và xuất viện.

Theo bác sĩ Trang, virus sởi gây tổn thương tế bào miễn dịch từ trong máu và hệ thống võng nội mô - một loại mô liên kết, bao gồm các tế bào giúp bảo vệ, cung cấp oxy cho cơ thể, dẫn đến suy giảm miễn dịch tế bào. Nguyên nhân là khi đào thải virus sởi, cơ thể đồng thời loại bỏ các tế bào lympho nhiễm virus, dẫn đến ký ức về các bệnh nhiễm trùng trong quá khứ cũng bị phá hủy. Do đó, trong thời gian này, những vi khuẩn, virus khác như phế cầu, tụ cầu, cúm, adenovirus, RSV, lao, ho gà, bạch hầu, thủy đậu... dễ dàng tấn công hơn. Mặt khác, virus tổn thương cơ quan hô hấp của trẻ gây viêm long đường hô hấp, tạo điều kiện bội nhiễm vi khuẩn, virus khác và các biến chứng như viêm phổi.

Để ngăn biến chứng hậu sởi, bác sĩ Trang khuyến cáo gia đình vệ sinh cơ thể cho trẻ và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Trẻ nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung chất đạm, béo, đường bột... để cơ thể hồi phục sớm. Khi có dấu hiệu ho, khó thở, sốt dai dẳng trên 5 ngày, gia đình nên đưa trẻ đi khám.

Bên cạnh đó, nên chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine sẽ hỗ trợ cơ thể tạo miễn dịch, giúp giảm mắc bệnh và tình trạng trở nặng.

Hiện Việt Nam có các loại vaccine sởi đơn giá (MVVAC) hoặc phối hợp (MMR II hoặc Priorix) phòng thêm các bệnh quai bị, rubella cho trẻ em và người lớn.

Trước tình hình bệnh sởi tăng cao cả nước, vaccine sởi được Bộ Y tế cho phép tiêm từ 6 tháng tuổi. Trẻ đủ 9 và sau 12 tháng cần tiếp tục tiêm thêm ít nhất 2 mũi vaccine có thành phần phòng sởi. Người lớn tiêm hai mũi, cách nhau một tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước mang thai ba tháng.

Bệnh sốt xuất huyết cũng sắp vào mùa, người dân nên chủ động tiêm chủng để phòng ngừa. Hiện Việt Nam có vaccine Qdenga (Nhật Bản), chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Trẻ cũng nên được tiêm ngừa các loại vaccine phòng bệnh khác theo độ tuổi như 6 trong 1, phế cầu, não mô cầu, cúm...

Huệ Lan