Nhảy đến nội dung

Trần Trung Lĩnh tạo ấn tượng mạnh với hành trình thị giác 'Sắc và Không'

Không gian khách mời không còn một chỗ trống đủ nói lên sức hút của triển lãm 'Sắc và Không', đánh dấu sự trở lại của họa sĩ Trần Trung Lĩnh sau cuộc dạo chơi của hậu 'Ấn tượng - Van Gogh in Saigon' và 'Pop Art - Hahaha at Sai Gon, Ha Noi, Hoi An' năm 2023.

Tối 9.5 tại Chillala - House of Art (TP.Thủ Đức, TP.HCM), họa sĩ Trần Trung Lĩnh gặp lại khán giả và người sưu tập tranh bằng một triển lãm cá nhân đầu tiên của năm 2025 - Sắc và Không. 

Họa sĩ Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An (Quảng Nam), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2001. Theo dõi quá trình sáng tác của họa sĩ xứ Quảng, người xem nhận ra cá tính nghệ thuật của Trần Trung Lĩnh "bay nhảy" qua các trường phái khác nhau, nhưng rõ nét nhất là biểu hiện và Pop Art. Anh bị ảnh hưởng bởi Van Gogh, Egon Schiele, Pollock cùng các tên tuổi đương đại khác như Bacon, Jenny Saville hay Basquiat. 

Sắc và Không: Nghệ thuật còn để tỉnh thức

Đến với triển lãm Sắc và Không, người xem ấn tượng, thỏa thích nhìn ngắm các bức tranh đầy sắc độ, hình ảnh mạnh mẽ, nhiều chuyển động. Mọi cảm xúc bị dồn nén, bị cuốn vào vòng xoáy của hình tướng, dục vọng và phân biệt. Nhưng càng đi sâu, sắc độ mờ dần, hình ảnh giản lược, và cuối cùng là những mảng đen trắng, yên tĩnh.

So với những triển lãm cá nhân trước đây thì ở Sắc và Không, họa sĩ Trần Trung Lĩnh lựa chọn một hướng đi khác: hướng vào bên trong. Ở độ chín của tuổi đời và tuổi nghề, anh tìm đến với một hành trình mang màu sắc triết học, một đối thoại giữa nghệ thuật và tinh thần phương Đông. Triển lãm như cuộc hành trình thị giác từ vô minh đến tuệ giác.

Theo tư tưởng Phật giáo, sắc (色) và không (空) không phải là hai thực thể đối lập mà là hai mặt của cùng một bản chất. "Sắc tức thị Không, không tức thị sắc" - câu chú niệm trong Bát Nhã Tâm Kinh được hiện hình qua từng lớp màu, từng nhát cọ của Trần Trung Lĩnh.

Có thể nhận thấy, từ tranh thủy mặc phương Đông đến sumi-e của thiền Nhật hay nghệ thuật trừu tượng phương Tây, nhiều nghệ sĩ đã từng sử dụng sự giản lược như một con đường đến cái vô hạn. Còn Trần Trung Lĩnh, qua Sắc và Không, anh cũng đang đặt mình trong dòng chảy ấy - nơi nghệ thuật không chỉ để ngắm, mà còn để tỉnh thức. 

Được biết, sau khi ra trường vẽ đến năm 2013, Trần Trung Lĩnh tạm dừng hoạt động triển lãm tranh để dành thời gian chuyên sâu vào những dự án dài hơi, vẽ những bộ tranh mất 7 - 8 năm mới hoàn thành. Anh dành nhiều thời gian hơn cho điện ảnh, với nhiều vai trò khác nhau, từ họa sĩ thiết kế cho đến đạo diễn, viết kịch bản... 

Đối với họa sĩ Trần Trung Lĩnh, một nghệ sĩ đa phương tiện không thể chỉ là "chơi lướt qua", mà với mỗi hình thái, thể loại, người nghệ sĩ phải học, phải yêu, phải đam mê và yêu thêm nhiều thứ thì tác phẩm mới đi đến tận cùng được cảm xúc...