Trách nhiệm trong khát vọng hòa bình

Cùng với công bố những sự kiện, hoạt động của TP.HCM dịp 50 năm thống nhất đất nước, cuộc giao lưu giữa các bạn trẻ TP cùng những nhân vật gắn với các sự kiện, hoạt động này vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Trò chuyện với các bạn trẻ là những người chú, người anh đã gắn bó đời mình với hành trình phát triển của TP.HCM. Họ đi qua bao thăng trầm, góp sức xây dựng TP phát triển cùng bao tâm huyết muốn gửi trao đến thế hệ trẻ.
Tinh thần xung phong của người trẻ
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) kể lại những tháng ngày gian khổ nhưng lớp lớp cha anh đầy mưu trí, sẵn sàng hy sinh để đổi lấy độc lập. Kể vậy để ông nói với các bạn trẻ rằng độc lập, hòa bình giành được từ biết bao hy sinh xương máu của cha ông.
Và ông gửi gắm: "Thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cha ông, phải dựng xây đất nước giàu đẹp hơn".
Từng được nhắc đến là một trong những người đi đầu phát triển Lực lượng thanh niên xung phong những ngày đầu của TP, ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) - chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn - nói đó là phong trào nổi bật lúc bấy giờ.
Lý do vì trước hàng loạt vấn đề phức tạp cần giải quyết, yêu cầu đặt ra làm sao huy động thanh niên cùng góp phần khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, cải tạo và xây dựng lại TP.
Ông Năm Nghị nói khi ấy Thành ủy và UBND TP đã phát động phong trào "Thanh niên lao động tình nguyện khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu đẹp". Và thành lập Lực lượng thanh niên xung phong.
"Khó khăn lắm, TP phải chạy gạo cứu đói cho dân, rồi vận động đồng bào về quê cũ sinh sống, làm ăn nhưng ruộng vườn ở quê cũng bị tàn phá hết. Dù chưa ai vận động gì nhưng thanh niên TP những ngày đầu sau giải phóng khi ra đường đã ý thức tự động gìn giữ giao thông, dọn dẹp vệ sinh...", ông Năm Nghị nhớ.
Với ông, đó là dấu hiệu đầu tiên của phong trào tình nguyện mà sau đó tổ chức Đoàn theo chỉ đạo đã ra quân thực hiện phong trào thanh niên xung phong. Khó khăn là vậy nhưng được vận động thanh niên sẵn sàng tham gia lực lượng xung phong làm kinh tế. Ngay lúc ra quân đã cả chục ngàn người, chính là lao động tự lực tự cường của người dân.
Mà thành phần tham gia ngày ấy, theo ông Năm Nghị, đa dạng lắm. Từ công chức chế độ cũ, công nhân đến cả thành phần được gọi là "bất hảo" cùng tham gia thanh niên xung phong đi làm kinh tế. "Ấy là khát vọng hòa hợp dân tộc ngay những ngày đầu sau cuộc chiến", ông Năm Nghị nói.
Thấy trách nhiệm của bản thân
Gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu, sinh viên Nguyễn Quốc Duy (Học viện Cán bộ TP.HCM) không giấu được xúc động. Duy nói đã từng xem nhiều clip ông Tư Cang giao lưu, chia sẻ về thời gian hoạt động cách mạng nhưng nay mới được gặp ngoài đời.
"Chú kể chuyện lôi cuốn quá. Tôi tin bản thân cũng như nhiều bạn có mặt đã được truyền thêm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc", Duy nói.
Còn bạn Nguyễn Anh Thư (20 tuổi), cô gái quê đất thép thành đồng Củ Chi, bộc bạch lớn lên từ cái nôi cách mạng nên ý thức về giá trị hòa bình, truyền thống yêu nước cứ tự nhiên đi vào suy nghĩ như oxy để thở.
"Mình học sư phạm, những chương trình giao lưu giúp mình càng thấy tự hào về truyền thống dân tộc, cũng chính là lúc tranh thủ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sau này truyền đạt lại cho học trò", Anh Thư nói.
Còn bạn Trương Quốc Hưng (21 tuổi, quận Bình Thạnh) tâm đắc khi đến đây lắng nghe câu chuyện của các nhân chứng lịch sử và cảm nghiệm sâu hơn cái giá phải trả để đổi lấy hòa bình. Hưng nói điều ấy nhắc nhở mỗi người trẻ phải sống xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ đi trước.
Bạn nói từng tham gia đội hình tình nguyện hè như cách tự nhắc bản thân sống có trách nhiệm với cộng đồng.
"Đi bất cứ đâu giữa TP.HCM những ngày tháng tư lịch sử này đều có thể cảm nhận niềm vui chung, là cơ hội quý để mỗi bạn trẻ được vun đắp tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc", Hưng chia sẻ.