TP.HCM bàn tác động thuế Mỹ với các nhà sản xuất 'mượn đường'

Viện trưởng Viện Nghiên cứu TP.HCM Trương Minh Huy Vũ cho rằng mức thuế 40% cho hàng hóa trung chuyển sẽ có tác động. Với các điều khoản của Mỹ thì phải chăng các nhà sản xuất "mượn đường" sẽ chấm dứt dự án hoặc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Sáng 4-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025.
Đây là phiên họp kinh tế - xã hội đầu tiên của TP.HCM mới. Phiên họp ngoài việc đánh giá 4 ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp còn đánh giá, dự đoán các tác động của thuế đối ứng Mỹ với sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng GRDP của TP.HCM mới trong 6 tháng cuối năm.
6 tháng cuối năm, TP.HCM mới phải tăng trưởng trên 10%
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Hoàng - chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM - cho rằng theo đánh giá của tổ chức kinh tế thì nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét, nguyên nhân do chính sách thuế quan của Mỹ, lạm phát kéo dài…
Từ 1-7, TP.HCM mới đi vào hoạt động với quy mô kinh tế rất lớn. Theo ông Hoàng đánh giá, tăng trưởng 1% GRDP của TP.HCM khoảng 17.200 tỉ đồng, tương đương với một số địa phương trước sắp xếp như Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng.
Theo ông Hoàng, tại phiên họp Chính phủ hôm qua (3-7), Thủ tướng cho biết sẽ giao lại chỉ tiêu tăng trưởng cho 34 tỉnh thành mới.
Nếu tính chỉ tiêu được giao trước đó thì TP.HCM là 8,55%, Bình Dương (cũ) là 10% và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) thì TP.HCM mới tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,92%. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm TP.HCM mới chỉ tăng trưởng 7,49% (không tính dầu thô), do đó 6 tháng cuối năm phải phấn đấu tăng trưởng 10,25%.
Chưa kể, nếu tính tăng trưởng theo nghị quyết HĐND các tỉnh thành trước sắp xếp thì tăng trưởng GRDP TP.HCM mới 6 tháng cuối năm phải từ 11-12,5%.
Đây là những con số vô cùng thách thức. Ông Hoàng cho rằng trước mắt phải đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là về đầu tư công.
Đánh giá thêm những thách thức, ông Hoàng cho rằng chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM đang ở mức cao (4,4%), ảnh hưởng lớn đến sức mua và tăng trưởng kinh tế.
Chưa kể, xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng và 6 tháng cuối năm sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ. Bên cạnh đó, mặc dù môi trường kinh doanh sau nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn.
Do đó, ông Hoàng đề nghị từng ngành có kế hoạch và xây dựng các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, tận dụng lợi thế của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập. Đồng thời, phải đẩy mạnh các giải pháp bình ổn thị trường.
Các nhà sản xuất "mượn đường" sẽ như thế nào?
Phân tích về những tác động lên nền kinh tế TP.HCM 6 tháng cuối năm, TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng tăng trưởng năm nay của TP.HCM rất khó đoán vì nhiều yếu tố bất định. Trong đó tình hình xung đột trên thế giới và chính sách thuế quan, tiền tệ có nhiều phức tạp.
Vừa qua, thông tin đàm phán thuế quan của Việt Nam và Mỹ có nhiều dấu hiệu tích cực hơn nhưng phải cần thêm các thông tin chi tiết và cụ thể để đánh giá.
"20% thuế đối ứng hàng Việt Nam xuất qua Mỹ là cao hay thấp, chắc chắn cao hơn hiện tại và thấp hơn con số 46% đặt ra trước đó. Còn tác động thế nào thì còn tùy thuộc vào thuế đối ứng của Mỹ với các nước có cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc", ông Vũ đánh giá.
Bên cạnh đó, mức thuế 40% cho hàng hóa trung chuyển sẽ có tác động. Tuy nhiên, phải định nghĩa và xác định khái niệm về hàng hóa trung chuyển này theo các điều khoản của Mỹ.
Với những điều khoản của Mỹ thì phải chăng các nhà sản xuất "mượn đường" sẽ chấm dứt các dự án hoặc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư sản xuất thực tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy sản xuất nội địa.
Bên cạnh đó cần đánh giá mức thuế 0% hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam. Đây cũng là một bài toán rất lớn, không những ảnh hưởng về thương mại mà còn tác động quan trọng về đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng, công nghệ…