Tín dụng chính sách - Đòn bẩy để Nghệ An tận dụng thời cơ vàng

Nhiều hộ gia đình ở Nghệ An đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Vốn chính sách tạo thương hiệu
Đến mảnh đất xã Kim Liên, hỏi đặc sản miền quê này, ai ai cũng sẽ nhắc ngay đến Giò bê Quân béo. Đây là tên cơ sở sản xuất của thương hiệu sản phẩm gia đình anh Lê Hải Quân ở xóm Sen 1. Hiện sản phẩm của gia đình anh đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành cả nước, tạo việc làm cho hơn chục lao động với mức thu nhập ổn định. Nhưng ít ai biết rằng, nền tảng để có ngày hôm nay của gia đình anh bắt nguồn từ 100 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo vay của NHCSXH huyện Nam Đàn để khởi động cơ sở sản xuất.
Từ vốn vay giải quyết việc làm, gia đình anh Quân đã có nguồn lực đầu tư máy móc, trang thiết bị để làm cơ sở sản xuất giò bê với thương hiệu Giò bê Quân béo. "Nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà gia đình tôi có điều kiện trang trải cuộc sống khó khăn và có tiền để tiếp tục đầu tư mở rộng theo xu hướng hiện đại", anh Quân cho biết.
Gia đình anh Trần Văn Trà ở xóm Vân Hội cũng vay vốn 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, trang trại hơn 800 con lợn của anh tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Mô hình chăn nuôi lớn nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, có hệ thống cấp nước sạch để tắm, xử lý nước thải chăn nuôi đạt chuẩn, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 42 tỉ đồng với 9 chương trình tín dụng đang được triển khai trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã giai đoạn 2020 - 2025 từ 4,1% xuống còn 0,55%; 905 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội.
Khát vọng vươn lên
Những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã tích cực tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện HĐQT các cấp lãnh đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và gần đây là Chỉ thị số 39-CT/TW, tập trung nguồn lực địa phương ủy thác cho vay các đối tượng chính sách thông qua NHCSXH.
Đến 30.4.2025, tổng nguồn vốn thực hiện tại chi nhánh đạt 14.071 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 536 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 3,81% trong tổng nguồn vốn. Đồng thời, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương qua NHCSXH theo Quyết định số 3005/QĐ-UBND ngày 21.9.2023 của UBND tỉnh ban hành đề án đầu tư tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác giai đoạn 2023 - 2025; tham mưu Ban đại diện HĐQT các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Đây là nền tảng để chi nhánh mở rộng tín dụng hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách tại 100% xã, phường trong tỉnh với tổng dư nợ đạt 14.053 tỉ đồng cho vay nhiều chương trình tín dụng chính sách.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết, nguồn vốn hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách vẫn là một thách thức cho tỉnh. Đến hết quý 1/2025, hầu hết chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn ngân sách địa phương cả năm, tuy nhiên chi nhánh tỉnh Nghệ An mới chỉ đạt tỷ lệ 54,3%.
Ông Trần Khắc Hùng cho biết đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, UBND các huyện chưa hoàn thành việc chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu được giao trong quý 2/2025.
Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh cân đối chuyển đủ nguồn vốn ngân sách tỉnh để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề án "Đầu tư tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025"; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025 ủy thác qua NHCSXH để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở cho công nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đồng thời, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách ủy thác qua NHCSXH trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của UBND tỉnh, đảm bảo nguồn ngân sách địa phương đạt tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn của NHCSXH theo Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30.10.2024; chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giải ngân nguồn vốn kịp thời; giám sát chặt chẽ nguồn vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ Nghệ An tận dụng thời cơ lịch sử khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, được trao cơ chế đặc thù để không chỉ "phấn đấu trở thành tỉnh khá" như Bác Hồ từng căn dặn, mà xa hơn nữa, phải trở thành mô hình phát triển hiện đại của miền Trung trong kỷ nguyên mới.