Tiền lương tối thiểu sau sáp nhập: Đề xuất sửa địa bàn áp dụng, doanh nghiệp nói gì?

Trước đề xuất phân cấp UBND cấp tỉnh lựa chọn địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng, tiến tới điều chỉnh lương, doanh nghiệp nói gì? Các tỉnh thành mới phân vùng như thế nào?
Chị Lưu Thị Vòng - công nhân may Công ty cổ phần Dệt may Lạng Giang (Bắc Giang) - chia sẻ do ông bà lớn tuổi, chủ yếu làm nông kinh tế kém, chồng lại làm tự do, bấp bênh nên cả nhà trông vào thu nhập từ nghề may của chị (khoảng 7-8 triệu đồng/tháng).
Điều kiện khó khăn, lại có 4 cháu nhỏ, gia đình phải dè sẻn từ tiền ăn uống, học phí của con đến ma chay, cưới hỏi.
Chị mong Nhà nước sớm điều chỉnh tăng lương tối thiểu, kéo theo thu nhập hằng tháng của chị có thể cao hơn, qua đó cuộc sống đỡ vất vả. Đây là mong ước của hầu hết người lao động.
Doanh nghiệp ủng hộ điều chỉnh lương
Ông Lê Đình Quảng - phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - ủng hộ việc tính toán, điều chỉnh lại phân vùng lương tối thiểu khi sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện.
Khi chưa thay đổi, các địa phương, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định tại nghị định 74/2024 của Chính phủ về mức lương tối thiểu. Quận, huyện, thị xã, thành phố nêu trong phụ lục danh mục địa bàn áp dụng lương tối thiểu tiếp tục thực hiện cho đến khi Chính phủ điều chỉnh.
Theo ông Quảng, thời gian qua, mặc dù tiền lương của người lao động đã tăng nhưng so với nhu cầu và đời sống của họ thì vẫn gặp nhiều khó khăn nên muốn điều chỉnh lương ngay trong năm 2025.
Dự kiến, Công đoàn sẽ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng cụ thể với Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới. Bởi tăng lương tối thiểu sẽ kích thích người lao động hăng say làm việc, tăng năng suất lao động.
Ông Henry Chien - giám đốc nhân sự Công ty TNHH LITEON Việt Nam (Hải Phòng) - cho hay việc Chính phủ Việt Nam điều chỉnh vùng lương tối thiểu cũng như tăng lương sẽ không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp do mức lương cơ bản mà công ty trả cho công nhân viên đang cao hơn lương tối thiểu vùng.
Hằng năm, công ty cũng tăng lương cơ bản cho nhân viên và duy trì các phúc lợi như trợ cấp di chuyển, nhà ở, nuôi con nhỏ để đảm bảo đời sống tốt nhất.
Ông Chou I-Wen - phó tổng giám đốc phụ trách tổng bộ Foxconn Việt Nam - cho biết tập đoàn đang có trên 94.000 nhân sự tại Việt Nam. Với kế hoạch mở rộng sản xuất sắp tới, dự kiến năm 2025 Foxconn cần tuyển khoảng 40.000 lao động.
Để thu hút nhân sự mới, tập đoàn có chính sách như lương cơ bản cao hơn quy định của Nhà nước, thưởng lao động tự đến phỏng vấn trúng tuyển...
Về tiền lương, những năm qua Foxconn đã trả lương cho công nhân viên cao hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng trên địa bàn nên việc điều chỉnh vùng lương có thể kéo theo tăng lương đã được tính tới, đảm bảo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam. Qua đó công ty mong người lao động bảo đảm việc làm, thu nhập, phúc lợi tốt nhất, yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp.
Ông Lê Xuân Thuần - chủ tịch Công đoàn của Công ty cổ phần Dệt may Lạng Giang (Bắc Giang) - chia sẻ công đoàn thường xuyên làm việc, trao đổi, thương lượng để công ty đảm bảo chính sách tiền lương, phúc lợi tốt hơn cho người lao động.
Khi nghe thông tin tăng lương, chúng tôi mong Nhà nước có quyết sách phù hợp, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Là doanh nghiệp may gia công cho các nước, đồng lương công nhân đi theo sản phẩm, do vậy công đoàn sẽ động viên, khuyến khích người lao động cố gắng, nỗ lực để tăng sản lượng, cải thiện thu nhập.
Các tỉnh thành mới thuộc những vùng nào?
Về lĩnh vực tiền lương và bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn địa bàn cấp xã thuộc tỉnh để áp dụng cụ thể mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại nghị định 74/2024 của Chính phủ.
UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa bàn xã, phường để lựa chọn và quyết định áp dụng mức lương tối thiểu cụ thể theo vùng đối với xã, phường. Lương tối thiểu ở cấp cơ sở không thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn do Chính phủ quy định hằng năm.
Cụ thể, dự thảo quy định danh mục địa bàn từ vùng I đến vùng IV như sau:
- Các xã phường thuộc TP Hà Nội: vùng I và vùng II.
- Các xã phường thuộc TP.HCM và TP Hải Phòng: vùng I, vùng II và vùng III.
- Các xã phường thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau và các TP Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ: vùng II, vùng III và vùng IV.
- Các xã phường thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh: vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV.
- Các xã phường thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk: vùng III và vùng IV.