Tia hy vọng cho Ukraine từ cuộc gặp Trump - Zelensky tại Vatican

Trong những tuần qua, người dân Ukraine không ngừng hoài nghi về thiện chí của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông cáo buộc nước này "làm bùng phát xung đột", đấu khẩu với người đồng cấp Volodymyr Zelensky và liên tục phát tín hiệu gây sức ép để Kiev chấp nhận nhượng bộ nhằm đạt thỏa thuận hòa bình với Moskva.
Nhiều người Ukraine tin rằng Mỹ đã bỏ rơi họ, khi chính quyền Tổng thống Trump có những động thái xích lại gần Nga, thậm chí thảo luận về cơ hội hợp tác khoáng sản với nước này. Tuy nhiên, cảm nhận của họ thay đổi khi chứng kiến cuộc gặp giữa ông Trump với ông Zelensky tại Vatican hôm 26/4, bên lề tang lễ Giáo hoàng Francis.
Hình ảnh được công bố cho thấy hai lãnh đạo dường như gặp nhau một cách tình cờ, ngồi đối diện nhau trên hai chiếc ghế vốn dành cho khách tới viếng Giáo hoàng tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican. Ông Trump hơi nghiêng người về phía trước, chăm chú lắng nghe những gì ông Zelensky nói, trong cuộc gặp được hai bên mô tả là "hiệu quả và mang tính xây dựng".
Cảnh tượng cuộc gặp hoàn toàn khác biệt so với lần đấu khẩu thảm họa tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, hồi cuối tháng hai, và nó dường như đã thay đổi quan điểm của ông Trump về cuộc chiến. Vài giờ sau đó, Tổng thống Mỹ đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tiếp tục tấn công Ukraine dù Mỹ đang cố gắng làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev với Moskva.
"Điều đó khiến tôi nghĩ rằng ông ấy không muốn dừng xung đột, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi mà thôi", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, thêm rằng có lẽ cần phải đối xử với Nga "theo cách khác", có thể là bằng cách áp lệnh trừng phạt bổ sung.
Theo giới chuyên gia, cuộc gặp chớp nhoáng tại Vatican là một thắng lợi đối với Tổng thống Zelensky và Ukraine tại thời điểm đặc biệt quan trọng của cuộc xung đột. Mỹ gần đây thúc đẩy Kiev chấp nhận kế hoạch hòa bình được cho là nghiêng quá nhiều về phía Moskva.
Theo dự thảo thỏa thuận ngừng bắn, Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, trong khi Washington không có biện pháp đảm bảo an ninh rõ ràng cho Kiev. Mỹ cũng sẽ lần đầu tiên công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, điều mà Ukraine coi là "lằn ranh đỏ".
Tổng thống Zelensky đã tuyên bố từ chối chấp thuận nhượng bộ này, khiến nhiều người tin rằng Mỹ sẽ quay lưng với Ukraine và đạt thỏa thuận riêng với Nga. Trước đó, chính quyền Trump mô tả dự thảo thỏa thuận này là "đề nghị cuối cùng", đe dọa sẽ rút khỏi tiến trình hòa đàm nếu các bên không chấp thuận.
Nhưng giờ đây, người dân Ukraine bắt đầu thấy một tia hy vọng le lói rằng ông Trump sẽ không ép họ chấp nhận một kế hoạch hòa bình khiến họ quá lép vế. Tình hình dường như bắt đầu biến chuyển sau vụ tập kích tên lửa của Nga vào Kiev sáng 24/4. Giới chức Ukraine cho biết cuộc tấn công khiến 12 người thiệt mạng và gần 90 người bị thương.
"Vladimir, DỪNG LẠI", ông Trump viết trên Truth, đề cập đến Tổng thống Putin. Đây là một trong số ít lần Tổng thống Mỹ thể hiện nỗi bất bình với người đồng cấp Nga trong những tháng qua.
Các bên chưa công bố nội dung thảo luận giữa ông Trump và ông Zelensky trong cuộc gặp kéo dài khoảng 15 phút ở Vatican, nhưng nó đã thắp lên hy vọng rất lớn cho người Ukraine.
Những bức ảnh từ Vatican "thật phi thường", Volodymyr Dubovyk, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Odessa I.I. Mechnikov, Ukraine, nhận xét.
"Tôi cho rằng việc Tổng thống Ukraine có thể trình bày quan điểm trực tiếp tới ông Trump là điều thực sự hữu ích. Có lẽ điều đó sẽ giúp ông ấy hiểu rõ hơn một chút về những mối quan ngại của Ukraine", Dubovyk nói.
Một số người Ukraine thừa nhận Tổng thống Trump có thể thay đổi suy nghĩ rất nhanh, nhưng họ vẫn cảm thấy yên tâm phần nào khi biết rằng Nhà Trắng mô tả cuộc gặp hôm 26/4 đã diễn ra "rất hiệu quả".
Oleh Karas, 40 tuổi, người đang quyên góp tiền mua máy bay không người lái (UAV) cho quân đội Ukraine ở trung tâm thủ đô Kiev, gọi những bức ảnh của hai lãnh đạo là "tuyệt vời", thêm rằng có vẻ như Tổng thống Trump "đã biết lắng nghe" Tổng thống Zelensky.
"Chúng ta nên mời ông Trump tới đây. Hãy cho ông ấy nhìn thấy nơi này. Hãy để ông ấy đến những nơi bị tên lửa bắn trúng. Hãy để ông ấy thấy tận mắt những gì đã xảy ra", Karas nói.
Với nhiều người Ukraine, những bình luận của ông Trump sau cuộc gặp giống như "chiếc phao cứu sinh" đối với họ, gieo lại niềm tin rằng họ vẫn còn cơ hội kéo Tổng thống Mỹ về bên mình, giới quan sát đánh giá.
Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 26/4 sau cuộc gặp, ông Zelensky không đi sâu vào chi tiết cuộc trò chuyện với ông Trump, nhưng cho biết hai người đã thảo luận về một "lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện" cũng như một "nền hòa bình đáng tin cậy và lâu dài sẽ ngăn chặn cuộc xung đột khác nổ ra".
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko, đồng minh thân cận của Tổng thống Zelensky, gọi cuộc gặp là "cơ hội để tiến về phía trước, xây dựng hòa bình thực sự thông qua sức mạnh".
Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Oleksandr Merezhko, cuộc gặp ở Vatican "quan trọng" bởi các bất đồng, mâu thuẫn giữa Mỹ và Ukraine tới nay vẫn luôn nằm ở việc thiếu kênh liên lạc trực tiếp giữa ông Zelensky và ông Trump.
Merezhko gọi đây là một "dấu hiệu tốt", có khả năng "mở đường cho các cuộc gặp toàn diện và sâu rộng hơn trong tương lai".
"Điều này thậm chí còn quan trọng hơn về mặt tâm lý vì đến nay, Tổng thống Trump mới chỉ nhìn cuộc xung đột qua lăng kính của đặc phái viên Steve Witkoff, người mà ông tin tưởng", Merezhko nói, thêm rằng Witkoff là người có quan điểm thiên hơn về phía Nga. "Dù hai lãnh đạo chỉ nói chuyện vài phút, giọng điệu của Tổng thống Trump đã thay đổi ngay lập tức sau đó".
Tuy nhiên, áp lực đạt được thỏa thuận hòa bình đang gia tăng đối với Ukraine, cả trong nước lẫn từ chính quyền Trump. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko, người có mối quan hệ căng thẳng với Tổng thống Zelensky, nói với kênh BBC vài giờ sau cuộc tấn công tên lửa lớn hồi giữa tuần trước rằng có lẽ đã đến lúc phải từ bỏ đất đai để đổi lấy hòa bình, ít nhất là tạm thời.
Ông Zelensky cũng từng nói rằng Ukraine có thể phải nhượng lại một số lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình, miễn là họ nhận được đảm bảo an ninh.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố Ukraine đang thua cuộc và không có đòn bẩy để đòi hỏi một thỏa thuận tốt từ Nga. Và như lời Tổng thống Mỹ nói, Kiev thực sự đang đánh mất một số đòn bẩy trên chiến trường.
Quân đội Nga hôm 26/4 tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn tỉnh Kursk, hơn 8 tháng sau khi quân đội Ukraine mở chiến dịch tấn công bất ngờ vào đây. Một ngày sau, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã gọi điện cho quân đội Nga để cảm ơn họ vì đã "hoàn thành chiến dịch giải phóng Kursk".
Mỹ không ít lần đe dọa sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình nếu không thể đạt được tiến triển. Trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC News hôm 27/4, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết tuần này sẽ là khoảng thời gian "đặc biệt quan trọng" để xác định liệu Washington có nên tiếp tục duy trì vai trò trung gian của mình trong cuộc đàm phán với Nga và Ukraine hay không.
Dù cuộc gặp giữa ông Trump và ông Zelensky hồi cuối tuần đã mang lại những cảm xúc tích cực, vẫn còn đó câu hỏi về mối quan hệ giữa họ. Sau cuộc gặp ngắn, một phát ngôn viên Ukraine cho biết hai lãnh đạo sẽ tiếp tục trao đổi thêm vào cùng ngày, nhưng Tổng thống Trump ngay sau lễ tang Giáo hoàng đã lên chuyên cơ rời Vatican mà không tiếp xúc thêm với ông Zelensky.
Người phát ngôn Ukraine sau đó cho hay cuộc gặp thứ hai không diễn ra vì "lịch trình dày đặc của cả hai lãnh đạo".
Với quan điểm thận trọng, nghị sĩ Ukraine Yelyzaveta Yasko cho rằng cuộc gặp "chỉ mang tính tượng trưng", chưa phải là tín hiệu thực chất có thể làm thay đổi tình hình. "Không có gì cụ thể được đưa ra, chỉ là một vài bức ảnh", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo Guardian, CNN, Kyiv Independent, Reuters)