Thiếu nguồn máu dự trữ, TP.HCM đẩy mạnh khôi phục mạng lưới hiến máu cơ sở

TP.HCM nỗ lực khôi phục mạng lưới hiến máu sau sáp nhập, duy trì điểm cố định, ứng dụng công nghệ 3D để thu hút người dân tham gia hiến máu tình nguyện.
Hiến máu với công nghệ thực tế ảo
Sáng 13.7, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) tổ chức tiếp nhận hiến máu định kỳ.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt khiến nhiều người thích thú là sự xuất hiện của công nghệ thực tế hỗn hợp do hãng ABBOTT phát triển, mang đến trải nghiệm hiến máu "3 không" - không sợ, không đau, không nhàm chán.
Người hiến máu được đeo kính 3D, thưởng thức hình ảnh và âm thanh sống động như lạc vào khu vườn kì diệu - gieo các hạt giống bằng ánh mắt để nở hoa 3 chiều sống động.
Chị Đỗ Thị Hương Giang (38 tuổi, ở phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM) đã nhiều lần tham gia hiến máu: "Trước giờ tôi luôn xem hiến máu là việc ý nghĩa, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác hơi căng thẳng. Hôm nay, khi đeo kính thực tế ảo, tôi hoàn toàn quên mất nỗi sợ đau".
Khi vừa tròn 18 tuổi, em Lê Hương Quỳnh Như (ở xã Ngãi Giao, TP.HCM) đã cùng mẹ đến Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy để tham gia hiến máu tình nguyện.
"Em đã chờ đến ngày đủ tuổi để được hiến máu. Vì là lần đầu nên em cũng khá lo lắng. Nhưng khi đeo kính thực tế ảo, cảm giác sợ hãi gần như biến mất. Ngược lại, em thấy đây là một trải nghiệm rất thú vị", Quỳnh Như nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân (30 tuổi, ở Đồng Nai) vượt hơn một giờ chạy xe lên Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy với tâm thế háo hức. Đây là lần đầu tiên chị tham gia hiến máu, cũng là lần đầu trải nghiệm công nghệ thực tế ảo được tích hợp trong quá trình này.
"Ban đầu tôi cũng hơi hồi hộp vì chưa từng hiến máu bao giờ. Nhưng nghe nói ở đây áp dụng kính thực tế ảo để giúp thư giãn nên tôi tò mò thử xem sao. Khi đeo kính vào, tôi như được lạc vào một không gian hoàn toàn khác - vừa thư giãn, vừa quên cả cảm giác đang bị kim tiêm", chị Vân nói.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, kiêm phụ trách Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào quy trình hiến máu mang lại hiệu quả tích cực trong việc thu hút người tham gia.
"Người hiến máu được đeo kính 3D, trải nghiệm hình ảnh và âm thanh sống động như lạc vào một khu vườn kỳ diệu, nơi hoa có thể nở theo ánh mắt. Điều này giúp họ thư giãn, giảm căng thẳng và xóa bỏ cảm giác nhàm chán hay sợ kim tiêm", bác sĩ Thanh Tùng nói.
Thiếu máu cục bộ, vận động cơ sở gặp khó
Về tình trạng thiếu máu hiện nay, bác sĩ Thanh Tùng cho biết, đây là thực trạng chung trên cả nước và mang tính khách quan.
Lý giải nguyên nhân, ông cho biết thời điểm hiện tại rơi vào mùa hè - giai đoạn mà hằng năm lượng máu tiếp nhận thường giảm nhẹ do phần lớn sinh viên nghỉ học nên ít tham gia hiến máu.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính và tổ chức chính quyền địa phương cũng tác động đáng kể đến hoạt động hiến máu. Việc thay đổi mô hình quản lý, sáp nhập đơn vị hành chính đã ảnh hưởng tới tổ chức, nhân sự và phương thức triển khai tại cơ sở.
Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu khiến nhiều hoạt động hiến máu do các hội Chữ thập đỏ địa phương tổ chức bị tạm hoãn.
Hiện mỗi ngày, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy tiếp nhận trung bình khoảng 500 - 600 đơn vị máu, đủ phục vụ nhu cầu điều trị và cấp cứu cho 62 bệnh viện.
Bao gồm: 2 bệnh viện tại TP.HCM (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất) và 60 bệnh viện thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ theo địa giới hành chính cũ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh).
Tuy nhiên, bác sĩ Thanh Tùng lưu ý, trong các tình huống đặc biệt như cấp cứu hàng loạt hoặc thảm họa, nguồn máu dự trữ hiện tại có thể gặp áp lực.
Trước đây, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy phụ trách tiếp nhận và phân phối máu cho 5 tỉnh miền Đông Nam bộ. Sau sáp nhập hành chính, phạm vi này đã thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương mới sáp nhập, cấp phường/xã chưa ổn định về tổ chức và chính sách hỗ trợ người hiến máu, khiến công tác vận động gặp nhiều khó khăn.
"Mỗi địa phương lại có chính sách hỗ trợ người hiến máu khác nhau. Việc chuyển đổi làm gián đoạn vận động ở cơ sở", bác sĩ Tùng nói.
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu máu hiện nay là do hệ thống tổ chức hội chữ thập đỏ đang trong quá trình thay đổi.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động với các cán bộ hội cấp quận, huyện đã khiến nhiều đầu mối vận động, tổ chức hiến máu tại khu dân cư và địa bàn cơ sở bị gián đoạn.
Khôi phục mạng lưới hiến máu từ cơ sở
Theo bác sĩ Thanh Tùng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là nhanh chóng kiện toàn ban chỉ đạo vận động hiến máu ở cấp phường, xã - tức là sớm củng cố bộ máy tổ chức, bố trí nhân sự để nối lại hoạt động hiến máu hiệu quả.
Bác sĩ Thanh Tùng nhận định, khi các địa phương hoàn tất kiện toàn bộ máy, nguồn máu dự trữ sẽ sớm được ổn định trở lại. Ông đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục tham gia hiến máu tại các điểm cố định như: Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy…
Ông Trường Sơn cho biết, hiện nay Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cùng các cơ sở tiếp nhận máu như Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy đang tích cực vận động hiến máu tình nguyện tại trường học, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các địa phương.
Đồng thời, các điểm hiến máu cố định tiếp tục được duy trì và truyền thông rộng rãi để thu hút người dân. Nhiều điểm hiến máu tổ chức từ sáng đến chiều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia.
Ngoài ra, nền tảng giotmauvang.org.vn đã được tích hợp vào ứng dụng Công dân số TP.HCM để kêu gọi người dân tham gia hiến máu tình nguyện.
Ông Trường Sơn kỳ vọng, khi Hội Chữ thập đỏ TP.HCM (mới) và các hội cấp phường, xã được kiện toàn, cùng sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền các cấp, hoạt động hiến máu sẽ sớm ổn định và phát triển trở lại.