Thi mỹ thuật nên học những gì, luyện sao cho đúng?

Là thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2024, nữ sinh Vòng Thảo Nhi chia sẻ bí quyết hữu ích dành cho những thí sinh lựa chọn thi các khối ngành năng khiếu năm nay.
Những điều cần lưu ý lúc luyện thi
Trước khi chia sẻ về những lưu ý trong quá trình luyện thi, Thảo Nhi nói sơ lược về các ngành học và những môn phải thi đối với từng ngành ở trường Nhi đang theo học. Nhi cho biết trường có nhiều ngành và mỗi ngành có những môn thi khác nhau. Các môn thi thường được tổ chức vào những thời gian trùng nhau nên không thể đăng ký hai ngành cùng một lúc. Ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Nhi cho biết có 5 ngành, hệ đào tạo 5 năm sẽ bao gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc; còn 4 năm sẽ có ngành thiết kế đồ họa, lý luận lịch sử và phê bình mỹ thuật.
"Đối với ngành hội họa mình đang theo học thì khi vào năm 3 sẽ có 3 chuyên ngành để chúng ta chọn lựa: sơn dầu, sơn mài và lụa. Với mỗi ngành sẽ thi 2 bài thi khác nhau, có một bài thi chì và bài thi màu. Đối với ngành hội họa, môn chì sẽ là hình họa người toàn thân, môn màu sẽ là bố cục màu. Khác với hội họa, bên thiết kế đồ họa sẽ thi môn chì là chân dung, môn màu là trang trí màu. Mỗi ngành sẽ có một môn thi khác nhau nên các bạn nên tìm hiểu trước để xác định là sẽ ôn môn nào", Thảo Nhi lưu ý.
Khi ôn thi, đối với những bạn ôn về trang trí màu, Nhi khuyên nên sử dụng màu poster. Vì màu này sẽ phù hợp với chất liệu trong bài thi, cũng như hạn chế tình trạng màu lem nhem ra ngoài khi vẽ.
Đối với những bạn thi bố cục màu, Nhi cho rằng nên tập trung vào nhịp của người (tức là độ cao, thấp của các dáng người cũng như hướng người); thường thì đầu tiên là tách nhóm để có 2 nhịp lớn nhỏ của mảng, sau đó mới tính nhịp cao thấp của người (vị trí của chân, đầu người) sao cho không đều nhau để tạo nhịp lên xuống. Đồng thời Nhi lưu ý bố cục màu thì có thể đi bút pháp theo ý thích của mình nhưng cũng phải phù hợp với bài thi.
"Đối với những môn thi chì, bắt đầu học thì nên học từ cơ bản trước. Học từ việc dựng hình và những khối cơ bản sau mới học đến những kiến thức nâng cao. Các bạn cũng nên học cách đan nét thật tốt. Mình thấy việc đan nét đẹp cũng sẽ là một điểm cộng trong mắt giám khảo", Nhi bật mí.
Cô nàng thủ khoa cũng cho biết môn hình họa sẽ nhân hệ số 2, môn màu là hệ số 1; cho nên khi học, nên cố gắng học hình họa (tức là phần chì) nhiều hơn một chút. Theo Nhi, trước tiên hình họa nên học cách dựng hình tốt, cũng như cách để đo đạc và ước lượng.
Đối với bố cục màu, khi ôn thi, Nhi khuyên: "Nên ôn theo chủ đề. Về bố cục sinh hoạt thì có một vài chủ đề như lễ hội, lao động…, chủ yếu là những hoạt động sinh hoạt của con người. Số lượng tầm 3 - 7 người, nhưng mình nghĩ các bạn nên sử dụng bố cục 5 người. Vì bố cục 5 người là bố cục dễ có nhịp. Hạn chế việc sử dụng bố cục số người chẵn".
"Bí quyết của mình chỉ là luyện theo từng ngành và nên tìm hiểu kỹ hơn. Nếu các bạn có thời gian thì nên vào trường tìm hiểu, để chúng ta có thể nhìn thấy được tương lai mình sẽ học cái gì trong ngành đó, cũng như sẽ hiểu hơn về ngành mình sẽ thi. Mỗi ngành sẽ có yêu cầu và hướng đi khác nhau, nên điều quan trọng trước tiên là cần xác định mình sẽ thi ngành gì, rồi luyện đúng hướng sẽ đỡ mất thời gian hơn", Nhi nhắn gửi.