Thép ngoại lách thuế, Bộ Công Thương lên tiếng

Bộ Công Thương thừa nhận hiện tượng thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt chỉ nhờ chênh lệch vài milimet kích thước nhằm lách thuế. Bộ đang khẩn trương vào cuộc.
Trong lúc chính sách chưa kịp phản ứng với chiêu lách thuế, hàng trăm ngàn tấn thép cán nóng từ Trung Quốc đã lẩn tránh thuế chống bán phá giá thành công, tràn vào Việt Nam.
Đã cảnh báo và đang điều tra tình trạng thép giá rẻ lách thuế
Trả lời riêng Tuổi Trẻ, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có phản hồi trước phản ánh về thép cuộn cán nóng (HRC) khổ rộng trên 1.880mm trở lên bắt đầu được nhập về ồ ạt ngay sau khi Bộ Công Thương bắt đầu áp thuế chống bán phá giá từ 23,58 - 27,83% với thép HRC có chiều rộng dưới 1.880mm.
Như vậy, việc áp thuế dựa trên kích thước đã bị đối tác ngoại vượt rào nhanh chóng, gần như vô hiệu hóa chính sách của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép HRC được áp dụng sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam trong WTO, trên cơ sở đơn đề nghị của ngành sản xuất trong nước.
Biện pháp này không áp dụng với sản phẩm có chiều rộng lớn hơn 1.880mm do trong nước chưa sản xuất được và ngành sản xuất trong nước không yêu cầu.
Hiện nay, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho hay đã chủ động thu thập thêm thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có cảnh báo đến doanh nghiệp để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương đã hoàn thiện thể chế, ban hành các thông tư hướng dẫn nghị định 86/2025 có thể thực thi ngay các quy định mới về phòng vệ thương mại từ ngày 1-7.
Các quy định mới này cũng đã lường trước khả năng doanh nghiệp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nên đã cho phép áp dụng các biện pháp chặt chẽ và kịp thời hơn, trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp cũng như cân nhắc hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Để kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu thép theo đúng quy định, đại diện cục này cũng cho hay Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính (Cục Hải quan) xem xét trên cơ sở các quy định của pháp luật để có biện pháp tăng cường giám sát đối với các lô hàng liên quan.
Cùng đó, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn để ngành sản xuất trong nước hoàn thiện hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh theo các quy định mới của pháp luật để có đầy đủ cơ sở xem xét.
Lách luật bằng vài milimet
Dù không vi phạm pháp luật nhưng thực tế nhiều lô thép HRC nhập khẩu có chiều rộng "vượt rào" vài milimet từ 1.881mm đến dưới 1.900mm sau đó được cắt nhỏ và sử dụng như thép khổ hẹp, vốn bị đánh thuế. Điều này cho phép doanh nghiệp nhập khẩu né thuế hợp pháp, dù mục đích sử dụng không khác gì loại bị đánh thuế cao.
Theo chuyên gia phòng vệ thương mại, TS Hoàng Ngọc Thuận, việc lượng thép khổ rộng tăng mạnh ngay sau khi thép khổ hẹp bị áp thuế là một dấu hiệu điển hình của hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, không thể xem là ngẫu nhiên.
Theo ông Thuận, doanh nghiệp chỉ cần thay đổi vài milimet chiều rộng là tránh được hàng chục triệu đồng thuế mỗi tấn. Nếu chỉ nhìn vào con số trên giấy tờ mà không xét đến công dụng thực tế, thì các biện pháp phòng vệ sẽ bị vô hiệu hóa.
Theo Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu gần 650.000 tấn thép khổ rộng từ Trung Quốc, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6-2025, lượng thép nhập lên tới 215.000 tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mỗi tấn thép nhập khẩu loại này rẻ hơn 1 - 2 triệu đồng so với sản phẩm trong nước. Một doanh nghiệp ngành thép cho hay không thể cạnh tranh được nếu hàng nước ngoài được miễn thuế một cách hợp thức như vậy.
Theo chuyên gia ngành thép, ước tính nếu số thép khổ rộng kể trên cũng bị đánh thuế như khổ hẹp, ngân sách nhà nước đã có thể thu về thêm 2.300 tỉ đồng.
Nguy hiểm hơn, theo doanh nghiệp, các nhà sản xuất lớn trong nước đã đầu tư hàng tỉ USD để sản xuất HRC, giúp Việt Nam dần tự chủ nguyên liệu. Hiện tượng nhập khẩu tiếp tục tăng, khả năng những nỗ lực của toàn ngành có nguy cơ bị "xô đổ" bởi lỗ hổng chính sách vài milimet.
Thực tế, Bộ Công Thương từ tháng 4-2025 đã gửi văn bản đề nghị tăng cường giám sát nhập khẩu thép HRC khổ rộng nhưng chưa có điều chỉnh chính sách thuế nào kịp thời ban hành. Dòng thép "né khổ" vẫn ồ ạt tràn vào.
Nhiều chuyên gia cho rằng bài học này không chỉ là vấn đề thuế mà là bài toán năng lực phản ứng chính sách. Một khi chính sách chậm hơn thực tiễn, doanh nghiệp trong nước dễ thua thiệt ngay trên sân nhà.