Thay vì chờ doanh nghiệp tìm đến, sinh viên hãy chủ động tìm đến doanh nghiệp

TPO - Theo TS. Lê Ngọc Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng, việc ngồi chờ cơ hội đến với mình không còn phù hợp. Sinh viên, đặc biệt là những người sắp hoặc vừa tốt nghiệp cần thay đổi tư duy thay vì chờ doanh nghiệp tìm đến, hãy chủ động tìm đến doanh nghiệp.
Sáng 23/5, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã tổ chức “Ngày hội việc làm VYA năm 2025” với sự tham gia của đại diện 20 quý cơ quan, doanh nghiệp cùng hơn 5 nghìn sinh viên.
Theo TS. Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Học viện, đây là sự kiện tiêu biểu, có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng và mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên.
Qua đó, các cơ quan, doanh nghiệp mở rộng cơ hội tìm kiếm những ứng viên tiềm năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
![]() |
PGS.TS. Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Ngày hội. |
Chưa có nhiều định hướng tự thân
Trao đổi với sinh viên Nguyễn Thùy Dương - ngành Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, em cho biết, bản thân thực sự rất lo lắng về việc chọn ngành nghề và định hướng tương lai sau này. Ngay cả khi đã học đúng ngành mình đăng ký, em vẫn băn khoăn không biết sau này liệu mình có thể làm gì, ở đâu, và có phù hợp không. Tuy nhiên, vì vẫn đang trong quá trình học tập, nên em chưa cảm thấy quá nhiều áp lực phải quyết định ngay lập tức.
Dù được học về lý thuyết trong trường, nhưng cơ hội để trực tiếp làm việc trong môi trường ngành nghề mình đang theo đuổi còn hạn chế. Điều đó khiến em và nhiều sinh viên khác cảm thấy mơ hồ về bức tranh nghề nghiệp tương lai.
Ngoài ra, em cũng gặp khó khăn khi phải đối diện với quá nhiều luồng thông tin tiêu cực về xu hướng cạnh tranh nghề nghiệp hiện nay. Điều đó khiến Dương cảm thấy mình chưa đủ “sẵn sàng” để bước vào thị trường lao động. Em vẫn đang trong quá trình học, tự hoàn thiện, nhưng thỉnh thoảng vẫn lo sợ mình bị “bỏ lại phía sau”.
Tại Ngày hội, chị Nguyễn Kim - đại diện tuyển dụng nhân sự của Công ty TNHH Dược phẩm Khang Linh cho biết, tại sàn giao dịch việc làm, chúng tôi đang tích cực tìm kiếm các bạn trẻ có thể đảm nhận những vị trí như marketing, chạy quảng cáo, thiết kế và editor nhằm phục vụ cho việc quảng bá sản phẩm.
"Tuy nhiên, tôi nhận thấy nhiều sinh viên hiện nay còn khá thờ ơ, chưa thực sự quan tâm hoặc chưa xác định rõ nhu cầu nghề nghiệp của mình, dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội phù hợp”, chị Kim nói.
![]() ![]() ![]() |
Chị Nguyễn Kim - đại diện tuyển dụng nhân sự của Công ty TNHH Dược phẩm Khang Linh đang giới thiệu việc làm cho sinh viên. Ảnh: C.Linh |
Theo chị Kim, nếu được hướng nghiệp bài bản, cụ thể ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên sẽ có định hướng tốt hơn và chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường lao động.
Mặt khác, thực tế hiện nay, tình trạng thất nghiệp sau tốt nghiệp vẫn còn phổ biến. Nhiều bạn trẻ đã phải đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lớn, đặc biệt là ở những vị trí năng động như truyền thông số, thiết kế nội dung, marketing trực tuyến…
“Mức lương khởi điểm hiện tại cho những vị trí như trên thường ở khoảng 8 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn cả bằng cấp, chúng tôi đánh giá cao thái độ làm việc và tinh thần ham học hỏi. Với những bạn trẻ có trách nhiệm, chịu khó và cầu tiến, việc tăng lương hay thăng tiến là hoàn toàn khả thi trong thời gian ngắn” - chị Kim nhấn mạnh.
![]() |
Sinh viên tìm hiểu việc làm tại Ngày hội. |
Chủ động tìm cơ hội từ sớm
Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS. Lê Ngọc Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội nhận định, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện đang có nhu cầu rất lớn về lao động kỹ thuật và chuyên môn cao. Tuy nhiên, việc kết nối giữa sinh viên mới tốt nghiệp và nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều rào cản.
![]() |
TS. Lê Ngọc Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tại Ngày hội. |
"Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có các đơn vị mà chúng tôi hợp tác, cho thấy họ rất cần nhân lực, song quá trình tuyển chọn lại gặp nhiều khó khăn.
Dù hoạt động quảng bá, kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp đã được tăng cường, nhưng sinh viên vẫn chưa chủ động tiếp cận thông tin hoặc chưa thực sự tâm huyết khi tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp. Nhiều trường hợp sinh viên đến phỏng vấn nhưng lại không nắm rõ về hoạt động, lĩnh vực của doanh nghiệp, dẫn đến việc khó được tuyển dụng", TS. Ánh cho biết.
Ở chiều ngược lại, cách thức doanh nghiệp công bố thông tin tuyển dụng đôi khi còn thiếu rõ ràng hoặc chưa cụ thể, khiến sinh viên khó hình dung chính xác về công việc. Việc tuyển dụng chỉ thực sự hiệu quả khi cả hai bên sinh viên và doanh nghiệp có sự hiểu biết đầy đủ và rõ ràng về nhau.
"Giới trẻ ngày nay có ưu điểm là nhạy bén, thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc mới. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với một "độ trễ" nhất định trong việc bắt nhịp với yêu cầu thực tiễn. Vấn đề không chỉ là tiếp cận công nghệ, mà còn là việc học cách vận dụng, hiểu sâu và làm chủ công việc một cách hiệu quả", TS. Ánh nói.