Thành Lộc nói gì về 'Hồ nước mùa xuân' của Nguyễn Thị Minh Ngọc?

“Văn chương của Nguyễn Thị Minh Ngọc không dễ đọc, kịch bản của chị không dễ dựng. Nhưng một khi đã đọc, đã dựng thì khó quên vì xúc cảm cứ âm ỉ dâng lên như nước trong lòng hồ”.
Trở lại văn đàn bằng một dáng hình vừa lạ vừa quen, nhà văn, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc tiếp tục khiến bạn đọc say mê bằng tuyển tập truyện ngắn mới mang tên Hồ nước mùa xuân.
Một tập sách tưởng như lặng lẽ nhưng hóa ra lại tiềm tàng những cơn chấn động nội tâm, gợi mở những dư ba dài lâu trong lòng người đọc. Nhưng những ai từng biết đến Nguyễn Thị Minh Ngọc hẳn không lạ với cách chị viết: không ồn ào, không phô trương nhưng đầy lôi cuốn, như một nhịp rơi sâu trong lòng suối ngầm.
![]() |
NSƯT Thành Lộc (trái) chia sẻ mối duyên sân khấu và văn chương với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ảnh: Hồ Lam. |
Ba giọng một thể văn chương
Từng hóa thân thành các nhân vật trong câu chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc qua các vở diễn: Tiên Nga, Người đàn bà thất lạc (vai Hồ Nguyệt Cô), Tía ơi má dìa…, NSƯT Thành Lộc là một trong những nghệ sĩ hiểu rõ và cảm sâu nhất về “chất đời” trong văn chương của chị. Không chỉ là lời thoại hay kịch bản, chữ nghĩa của Minh Ngọc là những nốt trầm của thân phận, những khoảng lặng xáo động giữa đời thường.
“Nếu có ai cảm thấy sách của chị Minh Ngọc khó đọc thì kịch bản của chị khi lên sân khấu cũng khó dựng như vậy, bởi nó mang nhiều chất liệu của đời thực mà ở đó người ta cần nhiều sự chiêm nghiệm để thấu cảm”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.
Giọng văn Nguyễn Thị Minh Ngọc mang ba nhịp điệu đặc trưng: giọng của người phụ nữ, giọng của người miền Nam và giọng của một kịch sĩ. Chính sự pha trộn đặc biệt này khiến văn của chị như một sân khấu đa tầng - nơi không còn ranh giới giữa đời và mộng, giữa nhân vật và người đọc. Văn chương ấy không chỉ để đọc, mà còn để thấy, để nghe, để sống cùng nhân vật.
Chính vì thế, khi trở lại với tuyển tập Hồ nước mùa xuân, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã khiến giới phê bình và giới làm nghề lập tức dõi theo. Ai cũng mong chờ những câu chuyện đời của những cõi người lặng lẽ nhưng đầy bão tố.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi văn chương của Minh Ngọc là “hiện sinh hoang hoải” - nơi hiện thực u ám nhưng trong trẻo, nơi nhân vật chạm vào đời sống bằng những cảm giác đầy sân hận, tức tưởi nhưng kỳ lạ thay lại khiến người đọc cảm thấy hoan hỉ, nhẹ lòng.
Cơn bão nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ
Hồ nước mùa xuân quy tụ 21 truyện ngắn được tuyển chọn từ hơn 80 truyện từng được in rải rác trên nhiều tạp chí từ trước 1975 đến nay của chị. 21 câu chuyện là 21 người phụ nữ trong nhiều vai: từ cô gái mới lớn, người tình, người mẹ, cho đến những kẻ cùng khốn hay người hy sinh… Dưới ngòi bút của Minh Ngọc, mỗi nhân vật sống, thở, yêu và tổn thương trong một không gian vừa rất thực lại vừa rất mộng.
![]() |
Tập truyện ngắn Hồ nước mùa xuân của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Những con người ấy được đặt trong các vòng tròn cộng sinh: gia đình, người tình, xã hội để từ đó lộ ra những hồ nước trong họ - nơi cảm xúc dâng lên, tràn bờ, rồi lặng xuống như chưa từng có gì xảy ra. Nhưng chính sự “lặng” đó lại khiến người đọc không thể ngừng nghĩ ngợi.
Nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy nhận xét văn chương của Minh Ngọc “như nhốt bão trong lòng bàn tay nhỏ” - một phép so sánh đẹp để mô tả cái dữ dội, cái tinh tế, cái tưởng như nhẹ tênh nhưng lại khôn cùng nặng trĩu của những nhân vật nữ trong tập sách này.
Ở thế hệ của mình, Nguyễn Thị Minh Ngọc luôn là “người lạ” - nhưng đó là cái lạ đặc sắc. Nếu Nguyễn Thị Hoàng mê đắm trong những ám ảnh tình yêu, Nguyễn Ngọc Tư xót xa với những kiếp người miền sông nước… thì Minh Ngọc lại mổ xẻ cảm xúc rất khẽ khàng. Văn chương của chị không tô hồng, cũng chẳng u ám hóa mà chỉ đi sâu vào cảm xúc, đào từng tầng lớp tâm lý, để rồi từng chi tiết nhỏ cũng có thể hóa thành một đợt sóng ngầm: “nỗi cô đơn có tiếng động”, “niềm vui lẩn thẩn như hạt mưa mắc kẹt trên hàng mi”…
Hồ nước mùa xuân không ồn ào nhưng lặng đến mức khiến ta phải giật mình. Không dễ đọc nhưng một khi đã bước vào thì không còn lối ra. Vì mỗi truyện ngắn là một câu hỏi âm ỉ mà người đọc buộc phải tự trả lời: Mình là ai trong mặt hồ kia?
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.