Nhảy đến nội dung

Thách thức bài toán trăm ngàn tỉ - Nhà ven kênh chờ 'thay áo mới', Kỳ 5

Để có thể di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh tại TP.HCM, bên cạnh quyết tâm của thành phố, thì câu chuyện về bài toán ngân sách hàng trăm ngàn tỉ đồng cũng được đặt ra. Liệu thành phố có đủ nguồn lực, cơ chế và đồng thuận xã hội để hiện thực hóa một “cuộc thay áo” lịch sử?

TP.HCM hiện có gần 40.000 căn nhà ven sông, kênh rạch chưa được di dời. Trong đó, nhiều nhất là ở quận 8, 7, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức… Những con số này gắn liền với 398 dự án quy mô lớn – một “bản quy hoạch chỉnh trang” chưa từng có trong lịch sử thành phố. Nhưng để di dời hết con số này từ nay đến năm 2030, ngân sách thành phố dự kiến phải chi hơn 221.000 tỉ đồng. Một con số khổng lồ, với những thách thức không nhỏ.

Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, cái khó khăn trước mắt thì đầu tiên là vấn đề về ngân sách, kinh phí để cho việc đền bù, giải tỏa cũng như chỉnh trang khu vực. Từ ngân sách đó mới tới chính sách xử lý, đền bù giải tỏa cho người dân và đi kèm với nó những biện pháp kèm theo ví dụ như quy hoạch, kế hoạch tài chính, chương trình phát triển.

Bên cạnh vấn đề tài chính, đền bù giải tỏa thì việc quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư cũng là một thách thức lớn. Để làm thế nào đảm bảo chất lượng sống cho người dân sau khi di dời. Cùng với đó là làm thế nào để tạo ra những khu tái định cư văn minh, hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng, dịch vụ.

Theo đề án, Sở Xây dựng TP.HCM tạm tính ngân sách phải cần hơn 130.680 tỉ đồng chi phí bồi thường, gần 10.700 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội cho trường hợp không đủ điều kiện bồi thường và 80.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng, nạo vét, cải tạo kênh rạch.

Sau khi thực hiện đề án, nhà nước thu lại dự kiến hơn 164.100 tỉ đồng từ việc khai thác quỹ đất 2 bên kênh rạch. Tái định cư không thể là một giải pháp hành chính, mà phải xuất phát từ chương trình phục hồi đời sống: từ nhà ở đến sinh kế, kết nối xã hội và văn hóa địa phương.

MỜI XEM LẠI KỲ 4: Nỗi lo sinh kế sau khi di dời

Đi dọc con đường Hoài Thanh (thuộc Q.8, TP.HCM), không khó để bắt gặp những căn nhà cũ kỹ, nằm san sát ven dòng kênh Đôi. Với người dân nơi đây, chuyện sống chung với dòng nước đen, với mùi rác và chuột bọ, đã trở nên quen thuộc.

Khi đón nhận thông tin dự án nạo vét, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi, hơn 1.500 căn nhà sẽ phải di dời, thì niềm vui lẫn lo âu xen lẫn trong từng câu chuyện.

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dù phần lớn nhà ven kênh có diện tích nhỏ, thậm chí lấn chiếm, nhưng nếu tồn tại trước ngày 1.7.2014 thì người dân vẫn được hỗ trợ 70% giá trị đất ở đã trừ nghĩa vụ tài chính. Những hộ chưa đủ điều kiện cũng có thể được xem xét bố trí nhà ở xã hội, hoặc trả góp trong vòng 15 năm. Đây là những chính sách lần đầu tiên được áp dụng với tinh thần "ai cũng có chỗ ở".