Sức mạnh tên lửa chống tăng Ấn Độ muốn mua bản quyền sản xuất từ Mỹ

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, nước này gần đây đã chính thức gửi thư đề nghị Mỹ cho phép sản xuất tên lửa chống tăng có điều khiển Javelin phiên bản nội địa.
Tờ The Hindu hôm 17/7 dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao giấu tên của Ấn Độ cho biết, New Delhi gần đây đã đề nghị Mỹ cho phép hợp tác sản xuất tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Javelin trên lãnh thổ Ấn Độ.
“Việc sản xuất tên lửa Javelin trên đất Ấn Độ sẽ đảm bảo sự sẵn sàng tác chiến cũng như giảm bớt phụ thuộc vào những nguồn cung ứng từ nước ngoài. Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu… Javelin là một trong những ATGM thế hệ thứ 3 tiên tiến nhất thế giới và đó là ví dụ điển hình cho việc tăng cường năng lực tác chiến chống tăng của Ấn Độ”, quan chức giấu tên bày tỏ.
Theo trang Army Recognition, vào đầu thập niên 1980, quân đội Mỹ đã đề xuất với Bộ quốc phòng nước này chương trình Hệ thống Vũ khí chống tăng tiên tiến - loại vừa (AAWS-M). Vào năm 1985, Lầu Năm Góc phê chuẩn chương trình AAWS-M. Đến năm 1989, hai công ty Texas Instruments và Martin Marietta (nay thuộc Raytheon Technologies & Lockheed Martin) đã giành được hợp đồng phát triển AAWS-M.
Đến tháng 3/1993, cuộc bắn thử nghiệm đầu tiên trong khuôn khổ chương trình AAWS-M đã diễn ra tốt đẹp. Vào năm 1996, AAWS-M với tên gọi chính thức là FGM-148 Javelin được đưa vào biên chế phục vụ trong các đơn vị của quân đội Mỹ. Tổ hợp Javelin có 3 thành phần chính gồm Hệ thống chỉ huy phóng (CLU), ống phóng và tên lửa với tổng trọng lượng là 22,3kg.
Tên lửa của tổ hợp Javelin nặng 15,9kg; dài 1,1m; đường kính thân tên lửa 127mm. Tầm bắn hiệu quả và tối đa của Javelin lần lượt là 2.500m và 4.750m. Phần đầu tên lửa được trang bị hai đầu nổ. Đầu nổ thứ nhất sẽ kích nổ khối giáp phản ứng nổ (ERA) bên ngoài và để lộ ra lớp giáp chính của xe tăng, sau đó phần đầu nổ thứ hai sẽ trực tiếp tấn công vào đó.
Quân đội Mỹ đã sử dụng Javelin trong một số cuộc xung đột như Afghanistan vào năm 2001 và Iraq vào năm 2003. Theo báo New York Times, trong trận chiến ở Debecka Pass, Iraq, binh lính Mỹ đã phóng tên lửa Javelin hạ gục một số xe thiết giáp của đối phương.
Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, các binh sĩ của Kiev đã sử dụng Javelin bắn nổ nhiều xe tăng, xe bọc thép và khí tài hiện đại của Moscow. Các lực lượng Nga trong quá trình chiến đấu cũng thu giữ một số hệ thống CLU của Javelin, nhưng không rõ còn tên lửa trong ống phóng hay không.
Video: Lính Ukraine dùng tên lửa Javelin. Nguồn: Lữ đoàn tác chiến số 15 Vệ binh quốc gia Ukraine/Militarnyi