Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ

Sốt xuất huyết Dengue đang bước vào cao điểm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), chỉ trong tuần 27 (từ ngày 30.6 đến 6.7), toàn thành phố đã ghi nhận 838 ca mắc, tăng 43 ca so với tuần trước đó.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng số tích lũy là 14.370 ca sốt xuất huyết, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tình hình diễn biến phức tạp khi số ca nặng gia tăng và ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện muộn, khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.
Thực trạng này càng trở nên rõ nét khi nhìn vào tình hình tại các bệnh viện. Điểm chung ở hầu hết các ca bệnh nặng khi người bệnh đã có dấu hiệu cảnh báo rõ rệt hoặc xuất hiện biến chứng.
Nhiều gia đình ban đầu cho rằng người bệnh chỉ bị cảm sốt thông thường hoặc sốt siêu vi nên chủ động điều trị tại nhà bằng các biện pháp dân gian như uống nước lá, xông hơi, dùng thuốc hạ sốt hoặc thậm chí sử dụng kháng sinh không theo chỉ định.
Không ít người chỉ đưa người bệnh đi khám khi thấy phát ban hoặc sốt kéo dài trên 3 ngày. Chính sự chủ quan và lầm tưởng này khiến nhiều trường hợp trở nặng nhanh chóng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ngoài nguy cơ tử vong, sốt xuất huyết Dengue còn có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng như tổn thương gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi hoặc viêm não. Những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền mãn tính hoặc béo phì thường có khả năng tiến triển nặng nhanh hơn so với người bình thường. Nếu không nhận diện sớm và xử trí đúng cách, hậu quả để lại có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tổng thể đồng thời chi phí điều trị cũng tăng lên đáng kể.
Nhằm góp phần cung cấp thông tin chính thống và giúp người dân nâng cao nhận thức, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Sốt xuất huyết Dengue: Biến chứng không ngờ từ những lầm tưởng nhỏ".
Chương trình sẽ diễn ra lúc 9 giờ sáng 26.7 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, phường Sài Gòn, TP.HCM với sự tham gia của 3 chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm và tiêm chủng, bao gồm:
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1;
Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Trung Triệu, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM;
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên, Đơn nguyên Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Chương trình là cơ hội để người dân tiếp cận những kiến thức y khoa thiết thực, hiểu đúng về triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue, biết cách phân biệt bệnh với các loại sốt thông thường và nắm bắt các dấu hiệu cảnh báo sớm. Từ đó, mỗi cá nhân và gia đình có thể chủ động hơn trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu không may mắc bệnh.