Sông Đà xưa
Trong sách "Sông Đà", vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam hiện lên sống động qua những khảo cứu công phu của nhà sử học Philippe Le Failler.
Từ bao đời nay, vùng Tây Bắc Việt Nam - nơi những ngọn núi sừng sững chạm mây, nơi con sông Đà cuồn cuộn đổ về đồng bằng - vẫn hiện diện trong tâm thức người Việt như miền đất thiên nhiên hùng vĩ và đầy thách thức. Nhưng đằng sau địa hình hiểm trở ấy là một bề dày lịch sử phong phú, đa tầng lớp, với những mạng lưới quyền lực, quan hệ tộc người và tương tác xuyên biên giới phức tạp.
Cuốn sách Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam của Philippe Le Failler mở thêm một cánh cửa dẫn vào “thế giới trung gian” ấy - một không gian biên viễn, nắm giữ vai trò trọng yếu trong tiến trình hình thành quốc gia.
Lịch sử một vùng biên viễn
Dòng nước đục ngầu cuộn xoáy giữa vách đá dựng đứng, những khe núi khắc nghiệt như chốn tận cùng thế giới, và bóng dáng lặng lẽ của những chiếc thuyền độc mộc xuôi dòng - đó là những hình ảnh mở đầu cho cuốn sách Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam, công trình nghiên cứu đồ sộ của nhà sử học người Pháp Philippe Le Failler. Tác phẩm là nỗ lực nhìn lại lịch sử của một vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa.
|
Thiếu nữ bên dòng sông Đà, ảnh Léon Busy chụp năm 1916. |
Với một nhãn quan sắc sảo, Philippe Le Failler đã dựng lại một cách có hệ thống lịch sử của vùng sông Đà từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 21. Ông khôi phục vị thế của vùng thượng như một chủ thể có lịch sử riêng, có mạng lưới quyền lực riêng và có vai trò chiến lược đối với các thế lực xung quanh.
Vùng đất ấy là nơi “tiếp xúc và trao đổi giữa không gian bán đảo và không gian với sự tác động không nhỏ bởi văn hóa Hán”, là điểm tựa quan trọng trong những biến cố lớn như chiến tranh, di cư, hay các cuộc thương thảo quyền lực xuyên biên giới.
Không chỉ là lịch sử hành chính hay quân sự, Sông Đà còn là lịch sử của một “thế giới trung gian” - nơi luật lệ của nhà nước và lề thói của bản làng giằng co nhau, nơi giao thoa văn hóa giữa các dân tộc tạo ra những mạng lưới phức hợp về kinh tế, xã hội và chính trị. Philippe Le Failler miêu tả lại cấu trúc liên minh các mường, hệ thống đặc quyền thuế khóa, phân chia đất đai và cả những biến động do thuốc phiện hay buôn lậu muối. Một vùng biên - tưởng là vô luật - lại vận hành theo một trật tự riêng sinh động và bền vững.
Dòng lịch sử sống động
Dưới góc nhìn của Philippe Le Failler, sông Đà không chỉ là dòng chảy vật lý mà còn là một trục lịch sử sống động: một hành lang địa lý nối Việt Nam với Lào và Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời là không gian trải nghiệm các biến động lớn của lịch sử Việt Nam hiện đại. Tác giả truy xét các hồ sơ thực địa, từ quốc sử, ghi chép địa phương đến hồ sơ hành chính quân sự Pháp, để phục dựng quá trình hội nhập vùng biên vào cấu trúc quốc gia.
|
Sách Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam. |
Một điểm nhấn quan trọng của cuốn sách là mối quan hệ giữa Đèo Văn Trì - thủ lĩnh họ Đèo tại Lai Châu - và người Pháp. Le Failler mô tả lại cuộc gặp giữa Đèo Văn Trì và nhà thám hiểm - ngoại giao Auguste Pavie năm 1890.
Với lối viết lôi cuốn, nhiều đoạn mô tả giàu hình ảnh như tiểu thuyết, đồng thời kết hợp khối lượng tư liệu khảo cứu ấn tượng, Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam mang đến một trải nghiệm vừa học thuật vừa cảm xúc. Trong thời đại mà lịch sử đang được viết lại với cái nhìn từ đa điểm, Sông Đà góp thêm một góc nhìn về biên giới, về sự đa dạng văn hóa, và trên hết - về một phần lịch sử Việt Nam.
Philippe Le Failler là nhà sử học người Pháp, phó giáo sư Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), Trưởng Đại diện EFEO tại Hà Nội. Ông là tác giả của một số cuốn sách về lịch sử Việt Nam (thế kỷ 19-20) và từng tham gia nhiều chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.