Nhảy đến nội dung
 

Sinh viên làm thêm xuyên lễ, kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nghỉ lễ 30-4 và 1-5 không còn là dịp nghỉ ngơi, nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm để 'cày cuốc', kiếm tiền triệu.

Không về quê nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Anh Sơn (22 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội), chia sẻ: đây là dịp kiếm thêm thu nhập rất tốt dù chỉ làm nhân viên chế biến đồ ăn tại một trung tâm thương mại ở thủ đô.

Làm xuyên lễ, thu nhập cả triệu mỗi ngày

Sơn cho biết so với ngày thường, ca làm kéo dài 8-9 tiếng. Bù lại, lương có thể đến 1 triệu đồng/ngày nhờ lương gấp 3 so với bình thường.

"Khách đông gấp mấy lần ngày thường, mệt lắm nhưng công sức được trả xứng đáng. Tôi giữ lại một phần để đi du lịch với bạn bè, một phần mua quà gửi bố mẹ", Sơn nói.

Tương tự, Minh Hiếu (21 tuổi, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, nói không nghỉ lễ mà làm 8 tiếng/ngày tại một rạp chiếu phim ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Năm nay, Hiếu kiêm nhiệm nhiều vị trí, từ bán vé, bắp, nước uống đến soát vé để "chạy sô" cho kịp lượng khách tăng vọt.

"Mỗi ngày tôi kiếm khoảng 700.000 đồng, số tiền này giúp tôi tự trang trải sinh hoạt phí ở Hà Nội mà không phải xin thêm gia đình", Hiếu nói.

Hiếu quê ở Lào Cai nhưng từ khi học đại học đến nay, mỗi kỳ nghỉ lễ đều chọn ở lại Hà Nội vì chi phí về quê cao (cách nơi trọ khoảng 300km), lại mất thời gian đi lại. 

"Tính sơ sơ cả đi lẫn về cũng hết nửa triệu đồng, chưa kể chen chúc, giá vé tăng. Tôi chọn làm xuyên lễ rồi nghỉ bù sau cho đỡ tốn kém", Hiếu nói.

Thay vì làm cố định trong quán xá, Ngọc Thắng (22 tuổi, Trường Đại học Giao thông vận tải) lại chọn làm shipper thời vụ dịp lễ. 

Từ 9h đến 19h, Thắng rong ruổi khắp các con đường ở Hà Nội. Thu nhập có thể hơn 1 triệu đồng/ngày, tùy số đơn và khoảng cách. 

"Có hôm chạy tới 22h, đói lả người nhưng kiếm được kha khá, tôi lại tự nhủ ráng mấy hôm", Thắng bộc bạch.

Chủ quán chi mạnh giữ chân nhân viên cũ

Nhu cầu giải trí, ăn uống tăng cao trong dịp lễ khiến nhiều hàng quán phải tăng ca, tăng nhân viên phục vụ. Đổi lại, mức lương thưởng cũng tăng mạnh.

Anh Vũ - chủ quán cà phê ở phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho biết doanh thu dịp lễ có thể tăng gấp 2-3 lần ngày thường nên không ngại tăng lương gấp 2-3 lần cho nhân viên pha chế, phục vụ. 

"Ngoài lương, tôi còn thưởng thêm vào cuối lễ. Giữ người quen vẫn hiệu quả hơn là đào tạo người mới trong lúc đông khách", anh nói.

Cùng quan điểm, chị Minh Phương - chủ hàng bánh ở Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) cho thuê người mới vào dịp lễ thường không hiệu quả. 

"Khách đông, đơn dồn, nhưng bạn mới thì phải đào tạo từ đầu, chậm việc là không tránh khỏi. Thế nên tôi cố giữ chân nhân viên cũ, thiếu lắm mới tuyển thêm", chị chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Quang Thành - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết sau Tết, nhiều lễ hội được tổ chức, khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, lưu trú ăn uống. 

Đây là cơ hội tốt cho người lao động, học sinh và sinh viên tìm kiếm việc làm thêm, tăng thêm thu nhập tại các quán cà phê, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, khu vui chơi...

Nắm bắt được xu hướng này, trung tâm thường xuyên tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm, giúp người lao động nhanh chóng tìm được công việc phù hợp. 

Dù mức lương không cố định, ông Thành nhấn mạnh người lao động cần lưu ý mức lương tối thiểu theo giờ vùng 1 tại các quận trung tâm ở Hà Nội hiện hành là 23.800 đồng/giờ để đảm bảo quyền lợi của mình.