'Siêu' xã Bàu Bàng ở TP.HCM

Xã Bàu Bàng (TP.HCM mới) là xã duy nhất được thành lập chỉ từ 7/8 khu phố của 1 thị trấn. Xã cũng rất đặc biệt được sở hữu Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị trên 2.500 ha lớn nhất cả nước.
Xã Bàu Bàng (TP.HCM) được thành lập trên cơ sở diện tích, dân số của thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng, Bình Dương trước đây) gồm 7 khu phố (trừ khu phố Bàu Lòng tách ra để nhập với xã Trừ Văn Thố).
Xã Bàu Bàng có "siêu" khu công nghiệp
Hiện nay, xã Bàu Bàng có diện tích trên 84 km2, dân số 42.219 người (huyện Bàu Bàng cũ có diện tích 88,37 km2). Thừa hưởng của huyện Bàu Bàng cũ, xã Bàu Bàng hiện đang là xã duy nhất của cả nước sở hữu Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bàu Bàng với diện tích gần 2.500 ha.
Trong đó có khu công nghiệp Bàu Bàng rộng gần 1.000 ha cũng thuộc diện khu công nghiệp đang hoạt động lớn nhất cả nước (các khu công nghiệp lớn và lâu đời ở Bình Dương cũng chỉ có diện tích chưa đến 800 ha) với tỷ lệ các doanh nghiệp lấp đầy gần như toàn bộ.
Nếu tính thời điểm chưa thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, thì Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bàu Bàng có diện tích khoảng 2.500 ha (nằm trên địa bàn thị trấn Lai Uyên, xã Lai Hưng và xã Cây Trường 2, thuộc huyện Bàu Bàng) cũng là một "siêu" khu công nghiệp của cả nước.
Khu công nghiệp Bàu được xây dựng, thành lập từ năm 2007, chính thức đi vào hoạt động năm 2015 do Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương trước đây, nay là TP.HCM) làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 1.570 tỉ đồng.
Hiện có khoảng 1.511 dự án đang đầu tư vào khu công nhiệp Bàu Bàng, trong đó có 295 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 4,7 tỉ đô la Mỹ; 1.216 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn trên 32.577 tỉ đồng.
Khi sáp nhập với TP.HCM, xã Bàu Bàng cũng như khu công nghiệp Bàu Bàng có vị trí đắc địa khi nằm ngay cạnh quốc lộ 13, cửa ngõ giao thương với các tỉnh thành trong khu vực; cách sân bay Tân Sơn Nhất 57 km, cách cảng Cát Lái 69 km..
Hiện nay, xã Bàu Bàng đã có thêm nhiều lợi thế khi đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đã được khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm 2024; đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, đã thông xe kỹ thuật và đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (khởi công 1.2.2025, dự kiến hoàn thành năm 2027)…
Bàu Bàng cũng là một địa danh có giá trị lịch sử, văn hóa với chiến thắng Bàu Bàng ngày 12.11.1965 và đến 1966 địa danh Bàu Bàng xuất hiện trong thư chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào miền Nam.
Năm 2013, huyện Bàu Bàng được thành lập trên cơ sở chia tách huyện Bến Cát (thuộc tỉnh Bình Dương trước đây). Huyện Bàu Bàng cũ có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm: thị trấn Lai Uyên (huyện lỵ) và 6 xã: Cây Trường 2, Hưng Hòa, Lai Hưng, Long Nguyên, Tân Hưng, Trừ Văn Thố.
Xã Bàu Bàng mới hiện nay có 7 khu phố ấp, gồm: Bàu Bàng, Bàu Hốt, Bến Lớn, Cây Sắn, Đồng Chèo, Đồng Sổ và Xà Mách.