Nhảy đến nội dung

Sắp có gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số

Thông tin được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu tại họp báo Chính phủ, chiều 6/5.

Ông Tú cho biết gói tín dụng 500.000 tỷ đồng nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng trọng điểm và công nghệ số, sản xuất thông minh - tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số trong giai đoạn tới.

Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 21 ngân hàng thương mại, lên kế hoạch triển khai gói này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đăng ký tham gia 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi nhà băng 60.000 tỷ. Ngoài ra, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký 20.000 tỷ đồng mỗi đơn vị. 5 nhà băng khác tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng một ngân hàng.

"Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng tiếp tục chuẩn bị trong tháng 5, để sớm đưa gói tín dụng vào triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Tú nói, thêm rằng đây là công cụ điều hành vĩ mô, không đơn thuần chính sách tín dụng.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng không dùng tiền từ ngân sách, vốn vay nước ngoài. Các ngân hàng thương mại sẽ huy động nguồn lực cho gói tín dụng trên cơ sở cơ cấu lại vốn, thời gian cho vay.

Lãi suất ưu đãi dự kiến thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại (6,34% tính tới ngày 10/4, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước), duy trì trong hai năm để doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai dự án.

"Với hình thức này, gói tín dụng đảm bảo linh hoạt, giảm gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn hỗ trợ cho các lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn", ông Tú nói.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ là rất lớn, nên cần xác định rõ "địa chỉ". Danh mục ưu tiên vay từ gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ được các ngân hàng xác định dựa trên đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương. Việc này nhằm bám sát chủ trương Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Chính phủ để không dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

"Bởi trong hàng trăm nghìn dự án, không phải dự án nào cũng phù hợp hoặc cấp thiết để được hỗ trợ", ông Tú nêu.

Thời hạn vay các dự án hạ tầng thường kéo dài, 5-10 năm, trong khi vốn huy động của nhà băng chủ yếu là ngắn hạn, nên theo ông Tú cần điều phối linh hoạt, tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống tín dụng.

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Tài chính Trần Quốc Phương cho biết "có sự bùng nổ trong đăng ký doanh nghiệp mới và quay trở lại hoạt động".

Theo số liệu từ cơ quan thống kê, quý I ghi nhận 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Số này giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng gấp 1,2 lần mức trung bình của quý I các năm 2017-2023. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng khoảng 5,5% so với cùng kỳ 2024.

Cùng với đó, cả nước có 36.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi tháng có 12.200 doanh nghiệp quay trở thị trường, mức cao nhất từ trước đến nay.

Lý do theo Thứ trưởng Phương, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường sản xuất, kinh doanh và triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt hơn. "Việc tháo gỡ cho các dự án giúp các nhà đầu tư có niềm tin vào chính sách của Nhà nước và nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng", ông Phương nói.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% và mức hai chữ số trong giai đoạn tới. Hôm 4/5, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, trong đó coi khu vực này là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Ông Phương nhận định đây là quyết sách lớn, một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp ngày càng có thêm niềm tin vào nền kinh tế.

Phương Dung