Sáng nào cũng 'làm' ổ bánh mì: Bác sĩ nói gì?

Bánh mì là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người. Món ăn này là một lựa chọn bữa sáng nhanh chóng, tiện lợi, kết hợp tốt với nhiều thực phẩm đi kèm như thịt, chả, trứng hoặc bơ đường...
Tất cả các loại bánh mì, kể cả bánh mì trắng, đều chứa các chất dinh dưỡng có thể tăng cường chế độ ăn uống. Cùng với hàm lượng sắt, chất xơ và vitamin B cao, bánh mì còn chứa một lượng protein, canxi, B1, mangan và kẽm cao đáng ngạc nhiên. Bánh mì trắng cũng là nguồn folate đáng kể. Đặc biệt, bánh mì nguyên cám hoặc bánh mì đen lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng ăn bánh mì thì điều gì sẽ xảy ra cho cơ thể bạn?
Những người mắc hội chứng tự sinh rượu có thể gặp vấn đề
Bác sĩ Mickey Mehta, chuyên gia hàng đầu về sức khỏe toàn diện ở Ấn Độ, đồng thời cũng là một tác giả, diễn giả tại Trường Y Harvard, (Mỹ), khuyên: Hãy lưu ý khi ăn bánh mì!
Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, bác sĩ Mehta viết: Bạn không thể sống nếu thiếu ổ bánh mì mỗi sáng? Được thôi, nhưng ít nhất hãy cố gắng giảm bớt, nhất là những người bị hội chứng tự sinh rượu.
Bánh mì có thể góp phần gây ra hội chứng tự sinh rượu khi một số chủng nấm men nhất định (như Saccharomyces cerevisiae hoặc Candida) phát triển quá mức trong ruột. Khi người mắc hội chứng này ăn thực phẩm giàu carbohydrate, như bánh mì, mì ống hoặc đồ ăn nhẹ có đường, nấm men sẽ lên men những loại carbohydrate này thành ethanol, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi và thậm chí là ngộ độc rượu mà không hề uống rượu.
Hội chứng tự sinh rượu thường do các yếu tố như lạm dụng thuốc kháng sinh (làm rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột), bệnh tiểu đường, các vấn đề về gan hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu gây ra. Những người mắc bệnh này nên hạn chế dùng xi rô có hàm lượng fructose cao, bánh mì trắng, mì ống, gạo trắng, bột mì trắng, khoai tây chiên, bánh quy giòn, đồ uống có đường và nước ép trái cây.
Bánh mì có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến
Mặc dù bánh mì cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, nhưng vẫn là thực phẩm chứa carbohydrate có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu, theo các bác sĩ tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ). Bánh mì càng ít chất xơ như bánh mì trắng thì chỉ số đường huyết càng cao.
Tuy nhiên, nếu bạn ăn bánh mì kèm với chất béo lành mạnh như bơ đậu phộng hay vài lát bơ hoặc protein nạc như thịt gà, thịt nạc, trứng thì không lo lắng lượng đường trong máu tăng vọt. Các thực phẩm ăn kèm này giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và ổn định lượng đường trong máu, điều này đặc biệt quan trọng với người bệnh tiểu đường, theo trang tin sức khỏe Eating Well.