Nhảy đến nội dung

Sách văn hóa, lịch sử dịp đại lễ 30-4: Độc giả gặp lại Ván bài lật ngửa

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nhiều tựa sách hay về di sản Hồ Chí Minh, các danh nhân mang nhiều dấu ấn với miền Nam; văn hóa, địa lý, lịch sử Sài Gòn được phát hành và tái bản.

Các ấn phẩm chọn lọc, đến tay độc giả dịp đại lễ 30-4 đều mang góc nhìn chân thực chứa đựng những câu chuyện, con người, mảnh ghép thú vị và xúc động của một miền Nam, một Sài Gòn dũng cảm đấu tranh cho hòa bình, một TP.HCM kiên cường phát triển qua bao năm tháng.

Còn mãi Di sản Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị này giới thiệu bộ sách kỷ niệm với 4 nhóm sách chính gồm: sách thuộc bộ Di sản Hồ Chí Minh; sách về các danh nhân; sách văn hóa, địa lý, lịch sử; sách văn học. Trên sách có quấn dải băng đỏ kỷ niệm.

Bộ Di sản Hồ Chí Minh có quyển Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn, gồm một số bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1920 - 1969.

Và quyển sách ảnh, tư liệu tiếng Anh Uncle Hồ, the name that illuminates Việt Nam's beauty (Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ) góp phần giới thiệu rộng rãi đến bạn bè năm châu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Hơn 150 hình ảnh, tư liệu trong sách bám theo trình tự biên niên, phân loại theo các lĩnh vực hoạt động và các sự kiện lớn trong cuộc đời Bác, cũng như theo dòng lịch sử của dân tộc.

Độc giả có dịp nhìn thấy những kỷ vật đôi khi liên quan đến những bức ảnh lịch sử thật thú vị như mô hình tàu Amiral Latouche Tréville, nhà số 9 ngõ Compoint, chiếc micro Bác dùng đọc Tuyên ngôn độc lập… Sách còn sử dụng một số hình ảnh trong các phim tài liệu và các kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Với dòng sách văn học, bên cạnh ba tập Văn học miền Nam lục tỉnh của tác giả Nguyễn Văn Hầu, độc giả gặp lại Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý gồm 6 tập. Đây được xem là bộ tiểu thuyết tình báo đặc sắc, lấy cảm hứng từ cuộc đời của anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo.

Nguyễn Trương Thiên Lý là bút danh của nhà văn Trần Bạch Đằng khi viết tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm. Sau đó, tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh dài 8 tập. Với thành công vang dội của phim, ông Trần Bạch Đằng chuyển thể ngược từ phim sang tiểu thuyết và lấy tên Ván bài lật ngửa xuất bản năm 1986.

Nhóm sách về danh nhân giới thiệu nhiều gương mặt có dấu ấn với miền Nam và TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung như: Võ Văn Kiệt - người thắp lửa, Nguyễn Văn Linh - hành trình cùng lịch sử, Trần Văn Giàu - dấu ấn trăm năm, Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức.

Dấu ấn Sài Gòn qua sách

Độc giả cũng sẽ có dịp đọc những sách ghi đậm hồi ức, lịch sử hào hùng về văn hóa, địa lý đa dạng của Sài Gòn như: Những điệp viên may mắn - Chuyện về cụm tình báo H.63 và những câu chuyện khác; Bút ký lính tăng - Hành trình đến dinh Độc Lập; Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam - Lịch sử nhìn từ tháp pháo; Biệt động Sài Gòn, Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh; Sài Gòn đi qua ký ức; Sài Gòn năm xưa; Sài Gòn tạp pín lù...

Trong đó, sách Hỏi và đáp về địa lý Sài Gòn - Gia Định của tác giả Nguyễn Đình Đầu mô tả bao quát 300 năm hình thành và phát triển. Với hơn 70 câu hỏi đáp, nhà nghiên cứu cung cấp thông tin về lịch sử - địa lý xưa, giúp người đọc hiểu thêm về thành phố.

Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM cũng phát hành, tái bản hàng loạt tựa sách hay nhân dịp đại lễ lớn của đất nước. Có thể kể đến một số tựa tiêu biểu như: Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông"" Sài Gòn Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945; bộ sách hai tập Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020); Lê la cà phê, ngõ hẻm Sài Gòn...

Trong đó, cuốn Di sản Sài Gòn - TP.HCM tập hợp hơn 300 bức ảnh quý hiếm, bao quát lịch sử - văn hóa - xã hội của Sài Gòn. Đó là những công trình kiến trúc như dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, cầu đường; là những nét văn hóa trong đời sống thường nhật như đám cưới, hát bội, đờn ca tài tử, đua ngựa; là đặc sắc ẩm thực Sài Gòn với quán cà phê, gánh hàng rong…