Phút giây sinh tử trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long

Vụ tai nạn lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 trên vịnh Hạ Long đã cướp đi sinh mạng của 35 người, 4 người vẫn đang mất tích, để lại nỗi đau đớn tột cùng cho hàng chục gia đình và cả cộng đồng. Trong thảm kịch ấy, những người sống sót kể lại những khoảnh khắc sinh tử khiến ai nghe qua cũng nghẹn lòng.
"CHỈ VÀI GIÂY, TÀU LẬT ÚP, TẤT CẢ BỊ NHẤN CHÌM"
Anh Vũ Anh Tú (25 tuổi, trú tại P.Hà An, Quảng Ninh) là thuyền viên duy nhất sống sót trong vụ lật tàu. Nhớ lại buổi chiều 19.7 định mệnh, anh vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể, khi bắt đầu hành trình ai nấy đều vui vẻ, mà nào ngờ chỉ sau ít phút, cơn giông khủng khiếp kéo đến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, trong đó có thuyền trưởng, cũng là chủ tàu đồng hành với anh nhiều năm qua.
Theo anh Tú, thuyền trưởng Đoàn Văn Trình là người cùng quê, có nhiều kinh nghiệm lái tàu trên vịnh Hạ Long. Nhưng cơn giông với cường độ lớn ập đến bất ngờ đã khiến mọi người không ai kịp trở tay.
"Tàu đi được khoảng nửa hành trình thì giông lốc bất ngờ nổi lên. Trong vòng chỉ vài giây, sóng lớn đánh mạnh khiến tàu lật úp. Mọi người bị nhấn chìm, không kịp trở tay", anh Tú nghẹn giọng.
Bị va đập mạnh vào các vật cứng, cánh tay rách toạc, nhưng giữa làn nước lạnh buốt, anh vẫn cố giữ bình tĩnh. Anh mò mẫm theo luồng sáng le lói từ mặt biển hắt xuống, cố ngoi lên mặt nước. May mắn, anh bám được vào một chiếc ghế gỗ nổi trên biển và cầm cự đến khi được cứu. "Tôi không hiểu vì sao mình thoát được. Có lẽ tôi là người quá may mắn… Nhưng những gì đã chứng kiến, tôi sẽ không bao giờ quên", anh Tú rưng rưng nước mắt.
CHUYỆN CỦA NGƯỜI TRỞ VỀ TỪ "CÕI CHẾT"
Cũng trong phút giây sinh tử, anh Đinh Đức Hiệp (35 tuổi, trú tại Quảng Ninh), đã cứu sống mẹ và nhiều hành khách trên cùng chuyến tàu.
Gia đình anh Hiệp có 8 người cùng đi trên con tàu định mệnh. Khi tàu bị sóng đánh lật, anh đang ở trong khoang. Nước tràn vào, bóng tối phủ kín, mẹ anh thì thều thào: "Con tìm cách thoát đi, mẹ sắp không thở được nữa rồi". Nhưng anh không đi. Anh dìu mẹ, hướng dẫn bà giữ hơi thở, rồi lặn xuống, kéo thêm một hành khách nữ ra ngoài. Anh Hiệp nhiều lần ngoi lên mặt nước, gào lớn trong giông gió: "Ai còn thở thì theo hướng này ra! Chân đạp về bên phải sẽ gặp cửa, em đứng ngoài kéo lên!". Tiếng kêu ấy như niềm hy vọng giữa tan hoang, hỗn loạn.
Anh Hiệp cứu thêm được một người đàn ông và hai phụ nữ. Một nạn nhân nam bị thương nặng không qua khỏi nên anh phải buộc thi thể lại để tránh trôi dạt. Rồi anh lặn tiếp, lần này để tìm bạn gái mình. "Khoảng 10 - 15 phút sau, tôi mới chạm được chân cô ấy. Tôi kéo lên, hô hấp nhân tạo, nhưng không kịp. Cô ấy uống nhiều nước, có cả xăng. Cô ấy đã ngạt thở…", anh nói, nước mắt lăn dài trên má.
Một trong những người được anh Hiệp cứu là chị T.T.H - người phụ nữ đã mất chồng và con trong vụ tai nạn. Ôm anh Hiệp, chị H. khóc nức nở trong phòng bệnh: "Nếu không có em ấy, tôi đã không về được với cha mẹ. Nhưng… chồng và con tôi không còn nữa. Tôi đau lắm".
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết: "Hiện 8 nạn nhân đang điều trị trong điều kiện tốt nhất. Sức khỏe và tâm lý của họ đang dần ổn định".
Bi kịch trên vịnh Hạ Long là một cú sốc lớn đối với du lịch VN. Nhưng hơn hết, đó là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về tính mạng con người và sự an toàn trong du lịch đường thủy, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng khó lường.