Phụ nữ giữ ‘nhịp sống’ giữa mùa ngập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long

Từng là nhóm dễ bị tổn thương, nhiều phụ nữ ở đồng bằng Sông Cửu Long giờ đây giữ vai trò trung tâm trong nỗ lực bảo vệ nguồn nước và giúp gia đình thích nghi với biến đổi khí hậu.
Từ đầu tháng 3, chị Nguyễn Thị Diễm Sương (36 tuổi, ngụ ấp Tích Phú, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đã mua sẵn hai bồn nhựa 2.000 lít đặt trong sân nhà để trữ nước mưa. Mỗi tháng, chị đều theo dõi con nước để chủ động bơm nước sạch phòng ngừa hạn mặn.
“Ngày 14 đến 18 là phải ngưng tưới rẫy, nước mặn mà tưới vào là cháy rễ. Chỉ có cách dùng nước đã trữ sẵn để tưới tạm”, chị Sương kể.
Lớn lên ở vùng nhiễm mặn quanh năm của huyện Thạnh Phú (Bến Tre), chị mang theo nhiều kinh nghiệm để tiếp tục làm rẫy tại Trà Ôn, nơi cũng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Không còn là “nạn nhân im lặng” của biến đổi khí hậu
Theo chồng về Vĩnh Long năm 2016, chị Sương vẫn không thể quên cảnh xếp hàng để mua nước sạch mỗi lần xe bồn về quê Bến Tre.
“Mỗi lần xe nước tới là mừng như mẹ đi chợ về nhưng cũng có hôm xếp hàng cả tiếng không tới lượt. Hàng tháng phải bỏ 400.000 - 500.000 đồng mua nước, một năm phải mua 4 - 5 tháng như vậy”, chị Sương nghẹn giọng.
Gia đình chị không thuộc diện nghèo nhưng cũng không dư dả, hễ ngập mặn kéo về là mọi sinh hoạt lập tức xáo trộn. Ngay cả khi tắm rửa, cả nhà cũng phải dè sẻn từng giọt, cố giữ lại phần nước ngọt để giặt giũ, tưới tiêu.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phụ nữ là người lo nước sạch, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con. Khi nước mặn tràn về, họ là người chịu ảnh hưởng đầu tiên.
“Ở những gia đình có thanh niên đi làm xa, phụ nữ gánh cả việc nhà lẫn đồng áng. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng sinh kế, mà còn tác động đến sức khỏe sinh sản, vệ sinh cá nhân của họ”, bà Thắm nhận xét.
Ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn, phụ nữ là người âm thầm xoay sở, điều chỉnh, học cách thích nghi. Họ làm điều đó không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình lẫn cộng đồng bằng cách tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm.
Đưa kiến thức biến đổi khí hậu vào từng gia đình
Từ chỗ tự thích nghi, nhiều phụ nữ nay chủ động chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, cộng đồng.
Tại Vĩnh Long, chị Diễm Sương trồng sắn giống vào mùa mưa vì đây là loại cây cần nhiều nước. Ở mùa nắng, chị chuyển sang dưa hấu hoặc đậu phộng để tránh bị ảnh hưởng mỗi khi thiếu nước. Thay đổi cây trồng giúp chị giữ được thu nhập ổn định từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm mà không phụ thuộc vào nguồn nước ngày càng bất ổn.
Chị hiện là thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tích Thiện. Mỗi tháng, Chi hội sẽ họp lại với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm và sử dụng điện, nước hiệu quả.
Tại Sóc Trăng, phụ nữ tham gia vận hành hợp tác xã nuôi tôm theo hướng bền vững, góp phần cải thiện thu nhập và đời sống gia đình. Ở Cà Mau, dự án “Sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu” do UNDP triển khai cũng đã tập huấn cho nhiều phụ nữ chuyển đổi sinh kế từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản bền vững.
Những mô hình này đang được củng cố nhờ sự phối hợp giữa địa phương và giới nghiên cứu. Tháng 2/2025, dự án “Xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng của Hội Liên hiệp Phụ nữ để giải quyết các thách thức về Nước - Năng lượng - Khí hậu tại ĐBSCL (WEC)” do PGS.TS Nguyễn Thanh Bình và TS Nguyễn Ánh Minh (Đại học Cần Thơ) chủ trì đã được triển khai ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre và Trà Vinh.
Dự án hướng đến tập huấn cho cán bộ Hội Phụ nữ về mối liên hệ giữa nước - năng lượng - khí hậu và cách truyền đạt lại kiến thức cho địa phương.
“Điều quan trọng là truyền tải kiến thức khoa học để người dân hiểu rõ, từ đó mới thay đổi hành vi. Tại dự án, chúng tôi không chia sẻ các kỹ thuật phức tạp mà xây dựng nhận thức nền về WEC để phụ nữ tự hành động”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Sau lớp tập huấn, các cán bộ nòng cốt sẽ tuyên truyền lại cho hội viên ở cộng đồng. Riêng Vĩnh Long, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, khoảng 100 hội viên Hội Phụ nữ ở xã, ấp đã được tiếp cận kiến thức qua các buổi sinh hoạt chi hội. Các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh cũng dự kiến tổ chức sinh hoạt tương tự trong tháng 5 và 6.
“Trường đại học có kiến thức bài bản trong khi Hội Phụ nữ thì gần dân, hiểu dân. Khi hai bên kết hợp, kiến thức không còn nằm trên giấy mà có thể vào tận bếp, tận lu nước của từng nhà. Mục tiêu của chúng tôi là để phụ nữ học, không chỉ để biết mà để làm, để dạy lại cho người khác”, bà Thắm nhận xét.
Từ lớp học bước ra thực tiễn, các mô hình phụ nữ trồng cây chắn sóng, thu gom rác tái chế, tiết kiệm điện - nước đang dần xuất hiện như phần mở rộng từ những kiến thức ban đầu.
“Trước giờ mình ít khi được dự các lớp kiểu này. Nhưng học rồi thấy nhiều cái dễ làm mà không tốn tiền. Chỉ cần mình để ý rồi nhắc nhau là được”, bà Lê Cúc, hội viên hội phụ nữ xã Tích Thiện, chia sẻ sau khi tham gia lớp tập huấn do bà Thắm tổ chức.
Giải pháp có thể đến từ phòng nghiên cứu nhưng để thành công, vẫn cần những người phụ nữ như chị Sương, bà Thắm. Họ lặng lẽ tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm và thay đổi từng thói quen nhỏ trong cuộc sống gia đình.
Từ nhóm được xem là dễ tổn thương, phụ nữ ở ĐBSCL đang dần trở thành người tiên phong trong hành trình sống chung với biến đổi khí hậu.
An Phạm - Anh Thư