Ông Duterte đắc cử thị trưởng dù đang bị ICC giam, chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Việc cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đắc cử thị trưởng Davao dù đang bị giam giữ tại Hà Lan tạo ra tình thế chưa từng có trong chính trường Philippines và đẩy gia tộc Duterte lên vị thế mới.
Dù đang bị giam giữ tại Hà Lan theo yêu cầu của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), ông Rodrigo Duterte vẫn đủ điều kiện tranh cử và đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử thị trưởng thành phố Davao.
Với 76% số phiếu đã kiểm, cựu tổng thống 80 tuổi nhận được 63,3% phiếu bầu, bỏ xa đối thủ gần nhất Karlo Nograles (chỉ 7,8%). Nhưng ông sẽ tuyên thệ nhậm chức như thế nào và ai sẽ thực thi quyền lực thị trưởng?
Thách thức pháp lý
Ông Duterte bị cảnh sát Philippines bắt giữ hồi tháng 3 năm nay và bị đưa tới trụ sở ICC ở Hà Lan, nơi ông đối mặt với phiên tòa về "cuộc chiến chống ma túy" vốn đã khiến hàng ngàn người chết khi ông còn làm tổng thống. Theo luật bầu cử Philippines, chỉ có bản án hình sự từ tòa án địa phương mới khiến một ứng viên không được tham gia cuộc bầu cử.
Luật sư của ông Duterte, Nicholas Kaufman, đã lập luận trong đơn trình ICC rằng không có cơ sở pháp lý cho vụ kiện này vì Philippines đã không còn là quốc gia tham gia Quy chế Rome khi ICC cho phép điều tra vụ việc vào tháng 9-2021. Phiên tòa xác nhận các cáo buộc dự kiến diễn ra vào ngày 23-9.
Phó tổng thống Sara Duterte - con gái ông Rodrigo - cho biết vấn đề tuyên thệ nhậm chức đang được "các luật sư ICC và các luật sư Philippines thảo luận" với ba phương án khác nhau. Họ có thời gian đến trưa 30-6-2025 để ông Duterte tuyên thệ. Tuy nhiên trong thời gian ông bị giam giữ, nhiệm vụ của thị trưởng sẽ được chuyển giao cho phó thị trưởng đảm nhận.
"Hiện không có vấn đề pháp lý nào nếu cựu tổng thống Duterte không có mặt đảm nhận vai trò thị trưởng. Luật nêu rõ phó thị trưởng sẽ tự động trở thành thị trưởng tạm quyền nếu thị trưởng vắng mặt", Phó tổng thống Sara Duterte khẳng định.
Đáng chú ý, ông Sebastian Duterte - con trai út của cựu tổng thống - đang dẫn đầu trong cuộc đua vào ghế phó thị trưởng Davao. Điều này có nghĩa quyền lực thực tế vẫn sẽ nằm trong tay gia tộc Duterte.
Thành trì gia tộc Duterte
Việc ông Duterte bị bắt và dẫn độ đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Philippines. Dù một số cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân ủng hộ cuộc điều tra, nhiều người ủng hộ ông Duterte tin rằng ông là nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị.
Sau vụ bắt giữ, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã lao dốc từ 42% xuống còn 25%, trong khi tỉ lệ ủng hộ Phó tổng thống Sara Duterte tăng từ 52% lên 59%.
Tại Davao, gia tộc chính trị của ông Duterte đang phát triển mạnh mẽ. Con trai ông, Sebastian Duterte, là thị trưởng thứ 22 của thành phố này. Trong cuộc bầu cử lần này, ít nhất bảy thành viên trong gia tộc Duterte đã giành thế áp đảo.
Lần đầu tiên trong lịch sử, ba gia tộc chính trị (Nograles, Garcia và Al-ag) đã liên minh để thách thức nhà Duterte, vốn từng là đồng minh của họ. Tuy nhiên, thậm chí ông Bernie Al-ag, người đối đầu trực tiếp với ông Sebastian Duterte, cũng bày tỏ sự không hài lòng với việc ông Rodrigo Duterte bị bắt. "Tôi cũng coi ông ấy như một người cha", cựu phó thị trưởng Davao này nói.
Phe nhà Duterte đã khéo léo tận dụng vụ bắt giữ làm công cụ vận động tranh cử. Bà Sara Duterte tuyên bố trước đám đông rằng Philippines đang "phải trả giá cho việc lựa chọn sai lãnh đạo", và "họ đã bắt cóc cựu tổng thống và vội vàng ném ông ấy vào một quốc gia khác để bị những người nước ngoài xét xử".
Ông Duterte từng là thị trưởng Davao trong 22 năm qua ba giai đoạn khác nhau trước khi trở thành tổng thống. Trong sinh nhật lần thứ 80 của ông hồi tháng 3, hàng chục ngàn người đã tập trung tại thành phố thắp nến và ca hát. Người ủng hộ ông đang kêu gọi đưa cựu tổng thống trở về Philippines.