Nhảy đến nội dung
 

Ở khách sạn, phải thế chân 200.000 đồng để bồi thường khi làm hư hao đồ

Nữ nhân viên yêu cầu tôi trả trước tiền phòng và đưa 200.000 đồng tiền thế chân, để lỡ khách dùng đồ trong tủ lạnh hoặc hư hao đồ đạc trong phòng thì trừ vào.

Tôi ghé một khách sạn 2 sao ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) nghỉ một đêm. Làm thủ tục, nữ tiếp tân yêu cầu trả trước tiền phòng, đồng thời nói tôi đưa 200.000 đồng làm tiền thế chân, và ghi biên lai là "cọc dịch vụ".

Thế chân, phía dịch vụ nắm đằng chuôi

Đại ý nhân viên nói nếu tôi dùng đồ ăn thức uống của phòng hoặc hư hỏng mất mát đồ đạc trong phòng sẽ trừ vào.

Đồng thời, tôi hỏi thông tin quét mã chuyển khoản, cô đề nghị tiền phòng chuyển khoản, riêng tiền cọc dịch vụ (200.000 đồng) nên đưa tiền mặt để ngày mai tiện trả lại khi tôi trả phòng. 

Nhưng thú thật, tôi hơi ngỡ ngàng sau khi đi một quãng đường đến làm thủ tục theo kiểu như vậy. Điều tôi nghĩ một cơ sở lưu trú nên có là nụ cười tươi và thủ tục nhanh gọn lẹ, nhưng đổi lại là thủ tục mang tên "cọc dịch vụ".

Trước nay, khi du lịch, công tác, tôi lưu trú khá nhiều nơi nhưng chưa gặp trường hợp tiền "thế chân" này. Cũng có thể một số nơi có nhưng tôi chưa biết.

Hỏi bạn bè, những bạn đã đến nhiều nơi trên thế giới, họ cũng chưa gặp trường hợp này. 

Tiền cọc giữ phòng khi đặt qua ứng dụng hoặc việc trả tiền phòng trước là có, còn cọc dịch vụ với lời giải thích của nữ nhân viên khiến du khách như tôi cảm thấy mất thiện cảm khi vừa đặt chân đến.

Có lẽ có trường hợp du khách dùng đồ ăn thức uống của phòng mà không báo lại để thanh toán, hoặc làm hư hỏng thiết bị mà không bồi thường. Nhưng nếu có, xác suất là bao nhiêu trong rất nhiều khách lưu trú? Sao người làm dịch vụ chỉ muốn nắm đằng chuôi?

Khi trả phòng, tôi có hỏi sao lại có khoản đặt cọc này. Một nhân viên khác cho biết là quy định khách sạn, do khách hay làm mất thẻ phòng (thẻ từ mở cửa phòng) nên trừ vào.

"Hai trăm ngàn đồng này nó cũng không có nhiêu hết, như làm cháy cái gì nó cũng hơn rồi. Quy định nó vậy rồi chứ không phải là không tin tưởng khách", nhân viên nói. 

Đúng thật, số tiền không có bao nhiêu và sẽ được trả lại, nhưng cái mất là sự thiện cảm của khách.

Những lời lẽ cứng nhắc, thiếu thiện cảm

Tò mò, trước đó tôi mở cuốn nội quy khách sạn xem thử, hơi bị "đơ" với những lời lẽ khá cứng nhắc.

Chẳng hạn: "Khi nhận phòng, quý khách vui lòng kiểm tra các đồ dùng, vật dụng, trang thiết bị theo danh mục, nếu phát hiện không đủ hoặc hư hỏng, dính bẩn, báo ngay cho nhân viên lễ tân…".

Trước khi khách nhận phòng, phía khách sạn chuẩn bị phòng đủ tiêu chuẩn, rồi khách vào phòng phải kiểm tra những món vật dụng có ổn không. 

Nếu chúng không ổn mà đến lúc trả phòng, dù không phải lỗi mình nhưng do không kiểm tra nên khách sẽ phải bồi thường?

Hoặc lưu ý: "Ban quản lý khách sạn có thể yêu cầu quý khách phải rời khách sạn mà không hoàn trả bất cứ chi phí nào nếu quý khách cố tình bỏ qua và vi phạm nội quy khách sạn".

Những yêu cầu trên cần thiết để đảm bảo quyền lợi đôi bên. Nhưng có thể dùng cách hành văn nhẹ nhàng, và bớt nắm đằng chuôi lạnh lùng như thế được không?

Cũng trong chuyến đi, khi lưu trú ở TP Đà Lạt, tôi không hề gặp bất kỳ điều phiền lòng nào về khoản phòng như vậy. 

Hoặc ở những nơi khác cũng thế, không có khoản tiền thế chân theo kiểu có gì thì đền bù, dù là ở khách sạn 5 sao hay khu nghỉ dưỡng.

Không biết có phải tôi khó tính hay không, chỉ mong đây như một sự chia sẻ, góp chút ý kiến nhỏ để câu chuyện lưu trú thoải mái hơn mà thôi.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn