NSƯT Xuân Hinh kể về thời bán phở mưu sinh

Trong buổi ra mắt cuốn tự truyện "Kẻ chọc cười dân dã", nghệ sĩ Xuân Hinh đã nói về hành trình nghệ thuật 49 năm, trong đó không ít lần ông phải vượt qua những chuyện nản lòng để đến với ánh đèn sân khấu.
![]() |
Toàn cảnh buổi ra mắt cuốn sách tối ngày 26/7. Ảnh: Đức Huy. |
Sinh năm 1963 tại Bắc Ninh, Xuân Hinh lớn lên trong một gia đình đông con, khó khăn chồng chất. Từ tuổi 13, ông đã cùng mẹ buôn bán, phụ giúp gia đình mưu sinh. Là người con trai trưởng, việc gì ông cũng phải làm. Ba giờ sáng cho gà ăn, phụ mẹ vớt bèo mang ra chợ bán…
“Tôi giúp mẹ buôn bán, hôm nao bán đắt được mẹ cho 20 đồng. Nhìn đồng tiền đấy tôi hiểu rằng mình phải tự lập. Trong cái khó ló cái khôn”, ông tâm sự
Hành trình đến với nghệ thuật chèo của Xuân Hinh không hề bằng phẳng. Năm 1983, ông trúng tuyển vào lớp Chèo, khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau đó, ông từng bỏ nghề, từng lang bạt vào TP.HCM, rồi lên Lạng Sơn buôn gà, bán phở để kiếm sống.
Nhưng rồi đam mê sân khấu kéo ông trở lại. Trở về Hà Nội, ông đầu quân cho đoàn chèo Hà Bắc - nơi ông coi như mái nhà nghệ thuật đầu tiên.
“Tôi cảm thấy nó là sứ mệnh của mình, tiếng gọi đấy thôi thúc tôi trở về dù khó khăn vất vả, kinh tế không dư dả gì”, NS Xuân Hinh nói trong buổi giao lưu với độc giả.
Năm 1988, vai diễn Hề Cu Sứt trở thành bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông. Với giọng nói đặc trưng, phong cách biểu diễn duyên dáng, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả. Những năm sau đó, Xuân Hinh gắn bó với những sản phẩm băng đĩa, từ Người ngựa, ngựa người, Thầy bói đi chợ, Thị Mầu lên chùa - giúp đưa nghệ thuật chèo, tuồng, dân ca quan họ đến gần hơn với đại chúng.
Ở tuổi ngoài 60, sau hàng chục năm sống cùng tiếng cười sân khấu, NS Xuân Hinh vẫn không muốn nhắc đến những cay đắng đời mình. “Tôi không bao giờ để chuyện buồn phiền, cay đắng trong lòng… tôi chỉ muốn nghĩ và viết về những điều tốt đẹp trong cuốn sách". Ông chỉ mong “chữ an nhàn” - điều giản dị mà đầy chất thiền sau nửa thế kỷ làm nghề.
Dẫu vậy, nỗi lo về sự mai một của sân khấu dân tộc vẫn luôn canh cánh trong ông. Từ góc nhìn của ông, những năm qua, tình trạng về sân khấu dân tộc đã có phần mai một. Song ông cũng lạc quan khi thấy một số người trẻ sẵn sàng bỏ tiền túi đầu tư sản phẩm nghệ thuật truyền thống, trân trọng giá trị văn hoá dân tộc.
Đây cũng là động lực thôi thúc ông ra mắt cuốn tự truyện Kẻ chọc cười dân dã. Qua đó, ông mong giới trẻ có thể được truyền cảm hứng từ hành trình làm nghệ thuật của mình. Nó không phải là một con đường trải đầy hoa hồng, có rất nhiều vất vả mà đôi lúc chán nản ông đã nghỉ tới chuyện bỏ nghề.
Với NS Xuân Hinh, nghệ thuật là cuộc đời, là thứ hàng hóa đặc biệt cần có người bán, người mua, và trên hết, cần có người giữ lửa. Cuốn sách không kể chuyện đời tư, không bới tìm giật gân, mà chỉ là lời thủ thỉ của một nghệ sĩ từng nếm trải đủ mặn ngọt của kiếp tằm nhả tơ. Giờ đây, ông kể lại để con cháu hiểu hơn về những tháng ngày nhọc nhằn, để thế hệ sau biết rằng: hy sinh vì nghệ thuật dân tộc là cả một hành trình nhọc nhằn nhưng đầy tự hào.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.