Nới ưu đãi thuế, ô tô có thêm cơ hội giảm giá

Chính phủ mở rộng điều kiện ưu đãi thuế nhập khẩu cho ngành ô tô, qua đó thúc đẩy sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện môi trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 199/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2023/NĐ-CP về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô. Điểm nổi bật của nghị định mới là nới lỏng điều kiện về sản lượng tối thiểu để được hưởng thuế suất ưu đãi, cho phép cộng dồn sản lượng xe thân thiện với môi trường vào sản lượng của dòng xe sử dụng nhiên liệu truyền thống. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 8-7.
Khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện
Theo Nghị định 26/2023, doanh nghiệp (DN) được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được, dùng để lắp ráp ô tô, nếu đáp ứng một số điều kiện, trong đó có yêu cầu về sản lượng.
Nghị định 199/2025 mới ban hành đã sửa đổi quan trọng liên quan đến điều kiện sản lượng này. Theo đó, nhằm hỗ trợ DN, đặc biệt là khuyến khích phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường, quy định mới cho phép DN sản xuất, lắp ráp xe chạy xăng, dầu được cộng dồn sản lượng của các xe xanh, bao gồm xe điện, xe sử dụng pin nhiên liệu, xe hybrid, xe dùng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe dùng khí thiên nhiên, vào sản lượng chung và sản lượng riêng của nhóm xe xăng, dầu tương ứng để xét điều kiện hưởng ưu đãi thuế.
Ngoài ra, DN sở hữu trên 35% vốn điều lệ tại các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô khác được phép cộng gộp sản lượng của các công ty này để tính sản lượng tối thiểu. DN phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của tổng sản lượng cộng gộp và tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ khi đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế. Đồng thời, cơ quan hải quan nơi DN đăng ký tham gia chương trình sẽ thực hiện hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với sản lượng xe đã xuất xưởng trong kỳ xét ưu đãi. Trường hợp DN kê khai không đúng thực tế, sẽ bị truy thu thuế và xử phạt theo quy định pháp luật.
Việc cho phép cộng dồn sản lượng xe xanh vào sản lượng xe xăng, dầu khi xét ưu đãi được xem như một hình thức "trợ lực sản lượng", tạo điều kiện để DN dễ dàng đạt ngưỡng được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện CKD. Nhờ đó, chi phí sản xuất xe trong nước sẽ giảm đáng kể, nhất là trong bối cảnh linh kiện nhập khẩu vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành ô tô tại Việt Nam.
Chính sách này không chỉ giúp DN duy trì và mở rộng sản xuất xe truyền thống, mà còn khuyến khích đầu tư phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường, hướng tới mục tiêu giảm phát thải và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Theo ông Vũ Minh Thanh, chủ một salon ô tô tại TP HCM, chi phí linh kiện nhập khẩu thường chiếm khoảng 40% - 60% giá thành xe lắp ráp trong nước. Việc được miễn thuế nhập khẩu có thể giúp DN tiết kiệm từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng cho mỗi xe. Điều này góp phần thu hẹp chênh lệch giá giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc, qua đó tăng sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa.
Nghị định mới cũng mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Việc tạo điều kiện để các DN nước ngoài như Toyota, Honda tiếp tục duy trì sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ DN nội như VinFast, Thaco mở rộng hoạt động, là vô cùng cần thiết.
Ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ
Việc ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện đồng nghĩa với giảm chi phí sản xuất, từ đó có thể giảm giá bán xe. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giá xe sẽ giảm bao nhiêu và khi nào giảm? Bởi trên thực tế, chính sách ưu đãi thuế này đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng giá xe tại Việt Nam vẫn cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Nguyên nhân không chỉ nằm ở thuế nhập khẩu linh kiện mà còn do nhiều yếu tố khác như chi phí vận hành DN cao, quy mô sản xuất nhỏ chưa đạt mức kinh tế tối ưu, tỉ lệ nội địa hóa thấp khiến vẫn phải phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, đại lý với mức chiết khấu và hoa hồng lớn cũng làm giá bán cuối cùng đội lên.
Vì vậy, ngay cả khi được miễn thuế nhập khẩu linh kiện, giá xe cũng khó có thể giảm ngay hoặc giảm không đáng kể. Để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi, cần có một quá trình dài hơi với các giải pháp đồng bộ như nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giảm chi phí logistics và cải thiện môi trường đầu tư. Một lãnh đạo hãng xe lớn trong nước cho rằng linh kiện nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia vốn đã được hưởng thuế suất 0% từ lâu nên chính sách ưu đãi này không mang nhiều ý nghĩa trong việc giảm giá thành xe nhập từ các nguồn đó. Chỉ những DN nhập linh kiện từ Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu hay Trung Quốc, nơi thuế suất còn trên dưới 20%, mới thực sự hưởng lợi rõ rệt. Trong khi các hãng xe có sản lượng thấp như Suzuki, Nissan, Isuzu, Mitsubishi khó tận dụng được chính sách do không đạt ngưỡng sản lượng tối thiểu.
Đại diện hãng Mercedes cũng nhận xét ưu đãi này chủ yếu có lợi cho các dòng xe phổ thông, còn xe hạng sang chưa thể giảm giá thành. Chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá cao việc quy định mới đã nới điều kiện để khuyến khích sản xuất các dòng xe xanh, song cũng lưu ý cần thêm các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ để ngành ô tô trong nước phát triển bền vững hơn.
Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) nhận xét Nghị định 199/2025/NĐ-CP mở ra điều kiện thuận lợi hơn cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô, đặc biệt khuyến khích phát triển xe thân thiện với môi trường. Quy định này không chỉ thúc đẩy đầu tư vào các dòng xe xanh, phù hợp xu hướng phát triển bền vững và giảm phát thải mà còn giúp DN dễ dàng đạt điều kiện ưu đãi thuế, qua đó giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh. Tuy vậy, ông cho rằng quy định hiện vẫn chưa cụ thể về tỉ lệ hay điều kiện áp dụng cho từng loại xe xanh, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau khi thực thi, do đó cần có cơ chế giám sát chặt để tránh DN lợi dụng chính sách. Theo đó, ông đề xuất Chính phủ nên ban hành hướng dẫn chi tiết hơn về cách tính sản lượng gộp và có chính sách ưu tiên cao hơn cho các dòng xe hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.